Để thực hiện các nội dung đã cam kết về Net Zero, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ bằng hàng loạt các chủ trương, chính sách. Trong đó phải kể đến Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kinh và bảo về tầng ô-zôn. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-zôn, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường carbon.
Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chiến lược hướng đến Net Zero cũng là một phần của kinh tế xanh và tăng trưởng xanh. Trong nền kinh tế xanh, các khoản đầu tư kinh tế không chỉ góp phần tạo ra việc làm mới và cải thiện thu nhập mà còn góp phần giảm phát thải và các vấn đề về môi trường, sử dụng bền vững và hiệu quả các nguồn tài nguyên cũng như bảo vệ loại và các hệ sinh thái.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao Chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp… Với quan điểm này, ngày 13/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành đã xác định: Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, thân thiện với môi trường; kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-zôn từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Thiết lập và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp. Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn; kiểm soát và giảm phát thải khí mêtan từ các bãi chôn lấp chất thải.
Phạm Thiện, Thu Huyền, Huy Linh