Cùng với tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp cận với ứng dụng số, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp tham gia chuyển đổi số; tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Huyện Hoàng Su Phì là điển hình trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 14.242 hộ gia đình với hơn 68.700 nhân khẩu thuộc 13 dân tộc, trong đó có 8 dân tộc thiểu số.
Ngay sau khi chương trình chuyển đổi số được triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đạt hiệu quả cao trong công tác Hội cũng như hoạt động tuyên truyền nông thôn mới.
Việc tiến hành sinh hoạt theo quý tại các chi hội trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn, cũng có sự đổi mới. Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn tích cực kết nối qua ứng dụng Zalo, Facebook để triển khai kịp thời văn bản của cấp trên đến các hội viên; tương tác cùng chị em để nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ giải quyết các vướng mắc.
Thông qua chuyển đổi số, nhiều hội viên phụ nữ đã biết phát triển kinh tế gia đình, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và livestream bán nông sản đến mọi vùng miền.
Bên cạnh đưa chuyển đổi số vào tuyên truyền nông thôn mới, tỉnh Hà Giang còn ứng dụng nền tảng số vào phát triển du lịch cộng đồng. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đón 1,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 223 nghìn khách quốc tế.
Tỉnh đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào trong lĩnh vực xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, cảnh quan thiên nhiên. Nhiều người dân địa phương cũng chủ động quảng bá hình ảnh đẹp về quê hương, các cơ sở lưu trú, homestay trên các nền tảng mạng xã hội để kết nối với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết: "Nhờ người dân tiếp cận đa nền tảng số nên công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về phong cảnh, văn hóa, con người và các sản phẩm của địa phương đến với khách hàng thuận tiện hơn, làm cho người dân dễ tiếp cận, nhanh, chính xác và hiệu quả".
Ngoài huyện Hoàng Su Phì, huyện Quản Bạ cũng là địa phương ghi dấu ấn về chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn mới.
Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng và thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan, khám phá.
Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, thôn Nặm Đăm đã hình thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng với 39 hộ làm dịch vụ homestay, đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 600 lượt khách/ngày đêm.
Năm 2019, nhận thấy những tiềm năng du lịch của địa phương, anh Lý Tà Chun mạnh dạn cải tạo ngôi nhà trình tường truyền thống của gia đình để làm homestay đón khách lưu trú. Quá trình làm du lịch, gia đình còn cung cấp các dịch vụ tắm lá thuốc, trải nghiệm văn hóa người dân địa phương.
Ngoài nguồn du khách trực tiếp, anh sử dụng nền tảng số vào để quảng bá, giới thiệu về homestay của mình. Qua kênh bán phòng, book phòng của mạng xã hội, nền tảng số, lượng khách du lịch tìm tới sử dụng dịch vụ của gia đình tương đối ổn định. Năm 2022, được sự ủng hộ và tư vấn của chính quyền địa phương, anh Lý Tà Chun đã làm thêm 8 căn bungalow để đón khách du lịch.
Từ khi chuyển sang làm du lịch, nguồn thu nhập của gia đình anh Lý Tà Chun ổn định. Trung bình mỗi năm, trừ các chi phí doanh thu du lịch đã mang lại thu nhập cho hai vợ chồng trên 300 triệu đồng.
Ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Quản Bạ đạt 141 tiêu chí; công tác xã hội hóa thắp sáng làng quê và camera an ninh đã lắp đặt được 366 camera; tiếp tục thực hiện khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn mới với giải pháp chuyển đổi số.
UBND huyện Quản Bạ luôn định hướng các hợp tác xã và người dân làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội/nền tảng số. Hiện, 100% sản phẩm OCOP của huyện được quảng bá, đăng tải và mua bán trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế số.
Có thể kể đến Hợp tác xã dệt lanh của xã Cán Tỷ sản xuất được trên 35 loại sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Hợp tác xã còn tích cực giới thiệu sản phẩm trên các gian hàng thương mại điện tử, thông qua đó đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.