Cô Hoa làm chủ một quán bán bột chiên lâu đời ở quận 3, TP.HCM. Trước dịch, mỗi ngày cô bán được 7-8kg bột, khách đông đều đặn đủ để nhà cô sinh kế. Tuy vậy, thời gian gần đây khách đến quán ít hơn, mỗi ngày lượng bột tiêu thụ chỉ khoảng 3-4kg.

“Mong mọi thứ trở lại như cũ để khách đến đông hơn, chứ cứ như vầy khó kham nổi”, cô Hoa nói với PV VietNamNet.

Cô Hoa cùng với gần 200 phụ nữ khác đang tham gia một khoá đào tạo kinh doanh trên mạng, do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức. Những phụ nữ đang làm chủ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ này sẽ được hướng dẫn lập kế hoạch tài chính, quản lý kinh doanh và cách vận hành một cửa hàng trực tuyến.

Chưa từng dùng điện thoại để bán hàng trực tuyến, lại thuộc nhóm lớn tuổi trong lớp, cô Hoa khá ngại ngần khi khởi sự kinh doanh qua Internet. Tuy vậy, cô cho hay sẽ mua gói cước dữ liệu cho điện thoại, nhờ những chuyên gia trong lớp học hướng dẫn để bắt đầu phục vụ nhóm khách hàng trên mạng.

Một nhóm phụ nữ đứng trước bảng thông tin các khoá học tại Nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Khác với vẻ ngại ngần của người chủ quán bột chiên lâu năm, chị Vy (TP.HCM) khá thành thạo khi thao tác trên smartphone. Chị Vy có công việc toàn thời gian tại một cơ quan nhà nước, và mở thêm một tài khoản mạng xã hội lấy tên mình để bán đồ ăn vặt giao tận nơi.

Chị Vy bán các loại bánh tráng bơ, cơm cháy chà bông và một số đồ ăn nhẹ. Với những đơn hàng gần nhà, chị tranh thủ tự đi giao. Với đơn xa hơn, chị đặt shipper qua ứng dụng giao hàng. 

“Đơn nào mua nhiều mình sẽ ‘free ship’ để hút khách”, chị Vy nói với VietNamNet. Món cơm cháy chà bông của chị giòn tan, trộn với bơ và chà bông ăn khá ngon, bán giá 50.000 đồng/bịch, khoảng 10 miếng kích thước cỡ lòng bàn tay.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cho biết khoá đào tạo phụ nữ khởi nghiệp trên không gian mạng này phù hợp với chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của chính quyền thành phố. 

“Chuyển đổi số từ những cửa hàng siêu nhỏ thế này để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Hoa phát biểu. “Hỗ trợ vật chất là cần thiết, nhưng hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ sẽ có tác động lâu dài và bền vững hơn”, bà nói thêm.

Đại diện tổ chức phụ nữ Thành phố đánh giá nữ giới thường gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận công nghệ và không dễ dàng khởi nghiệp. Do đó, việc cung cấp công cụ và các khoá học cho nhóm này sẽ góp phần thay đổi các phương thức kinh doanh truyền thống, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Không chỉ vậy, đứng ở góc độ đại diện cho phụ nữ, bà Hoa khẳng định việc khởi sự kinh doanh của người vợ, người mẹ trong gia đình có thể tạo công ăn việc làm cho người thân. Kinh tế tốt hơn sẽ khiến gia đình hạnh phúc, tạo nền tảng cho nền kinh tế cả nước.

Là đối tác chính trong dự án này, phía Gojek cho hay các chương trình đào tạo cho kết quả tốt kể từ năm 2020. Theo ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam, có những bà cụ đã trên 70 tuổi, mất đi cửa hàng kinh doanh trong giai đoạn đại dịch do không có khách nên chuyển hướng sang kinh doanh online và duy trì được thu nhập.

Một số trường hợp thành công điển hình đã gia tăng doanh thu lên 10 lần so với trước dịch. Có những gia đình khi vợ buôn bán thành công, chồng nghỉ chạy xe công nghệ về phụ giúp giao hàng.

Những câu chuyện phụ nữ khởi nghiệp thành công trên môi trường trực tuyến khi được truyền thông rộng rãi đã tạo sức ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng kinh doanh nhỏ lẻ. Nhà báo Ngô Trần Thịnh (Đài Truyền hình TP.HCM) cho hay, một số trường hợp đầu tiên phải đóng cửa kinh doanh vào năm 2020, giai đoạn bắt đầu dịch Covid-19 tại Việt Nam. Sau đó, những phụ nữ này được hướng dẫn để kinh doanh online, có thành công nhất định, khi lên sóng truyền hình đã tạo cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác khởi nghiệp trên môi trường số.

“Khởi nghiệp công nghệ tưởng chỉ dành cho đàn ông nhưng nhiều trường hợp cho thấy phụ nữ vẫn làm rất tốt”, ông Thịnh nhận định.

Bên cạnh số người được đào tạo trực tiếp trong mấy năm qua, các đơn vị thực hiện khoá đào tạo đã tiến tới đăng tải tài liệu lên mạng để ai cũng có thể tiếp cận nguồn tri thức kinh doanh này.

Ước tính hàng chục nghìn cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam có thể truy cập vào thư viện thông tin miễn phí bao gồm các kiến thức, kỹ năng và công cụ về tài chính và công nghệ nhằm giúp họ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực. 

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 45% GDP quốc gia. Theo thống kê, 90% các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đang cần được hỗ trợ. Với nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến ​​đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, việc số hóa là vô cùng cần thiết để nhóm này có thể sớm phục hồi.

Hải Đăng