Ca mắc bệnh truyền nhiễm trở nặng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi
Thời gian vừa qua, các bệnh viện ghi nhận nhiều ca trẻ em mắc các bệnh cúm A ở trẻ gia tăng vào mùa hè trong khi đây là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác như Covid-19, sốt xuất huyết, chân tay miệng cũng khiến nhiều trẻ phải nhập viện.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh truyền nhiễm hiện nay diễn biến phức tạp, không theo mùa.
Theo GS.TS Kính, trước đây, bệnh cúm thường vào giữa mùa đông, nhưng hiện nay, giữa mùa hè cúm cũng xuất hiện. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid -19, trẻ phải cách ly ở nhà, không đi tiêm vắc xin nhắc lại đầy đủ khi mắc bệnh truyền nhiễm nên thường có diễn biến nặng. Đa phần, số ca mắc bệnh truyền nhiễm trở nặng rơi vào trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
GS.TS Nguyễn Văn Kính nói thêm, trong khi các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang là nỗi lo chung của cả thế giới. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không theo kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.
Vì vậy tăng cường miễn dịch cho trẻ là giải pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm đang gia tăng hiện nay trong đó dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt.
TS.BS Phan Bích Nga – Trưởng khoa Khám Trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, khả năng tăng cường miễn dịch được chi phối bởi một số yếu tố nhưng quan trọng là yếu tố về dinh dưỡng bởi các vitamin, khoáng chất tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể, trong đó có sắt và kẽm. Tuy nhiên thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thiếu sắt, kẽm ở Việt Nam đang ở mức cao. Tương tự, thống kê của Bộ Y tế giai đoạn 2019 - 2020, có 58% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt.
Chuyên gia thông tin trẻ thiếu sắt thường đi đôi với thiếu kẽm. Phụ huynh rất khó nhận biết tình trạng thiếu kẽm và thiếu sắt của bé trong quá trình nuôi dưỡng, chỉ biết được khi có hậu quả của thiếu kẽm và sắt gây ra. Đặc biệt, biểu hiện lâm sàng của thiếu máu thiếu sắt thường rất nghèo nàn, xảy ra từ từ, khó nhận biết.
Dấu hiệu trẻ thiếu chất
Để cha mẹ thuận tiện theo dõi sức khỏe của trẻ, TS.BS Nga cũng đưa ra một số biểu hiện của trẻ thiếu sắt và kẽm: Thèm ăn, liếm, hoặc nhai các đồ không phải thực phẩm (đất, giấy, bìa cứng…); Suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt; Da tái, da xanh, niêm mạc nhợt; Móng tay, móng chân mỏng; Lưỡi khô, dễ bị sung viêm; Mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, học tập thiếu tập trung, dễ cáu gắt; Tóc móng giòn dễ gẫy, móng tay có những khía, hoặc vạch trắng.
Ngoài ra, các dấu hiệu như Rối loạn giấc ngủ; Kém hấp thu, chậm tăng cân; Chậm phát triển chiều cao; Dễ mắc các bệnh về da mẩn ngứa và dị ứng… cũng có thể là con bạn đang thiếu 2 chất này.
Khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt, hệ miễn dịch sẽ suy giảm. Hàng rào bảo vệ cơ thể trở nên lỏng lẻo và tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn gây bệnh. Trẻ thiếu kẽm dẫn tới nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus tăng cao hơn.
Để bổ sung sắt, kẽm giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng tránh các bệnh nhiễm trùng, TS.BS Nga cho biết, cần phải đảm bảo đầy đủ trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời kể từ khi còn trong bào thai. Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ và bổ sung thêm viên sắt như khuyến cáo.
Trẻ mới sinh ra trong 6 tháng đầu nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Sau 6 tháng, khi trẻ ăn dặm, các bà mẹ cần cho con ăn đủ dinh dưỡng bằng chế độ ăn hằng ngày. Kẽm và sắt có nhiều thực phẩm như thịt bò, trứng, thủy hải sản như hàu, sò, ghẹ, và một số loại rau lá xanh… nhưng theo cuộc điều tra đinh dưỡng Đông Nam Á (Seanuts), bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất điển hình là kẽm và sắt.
TS.BS Phan Bích Nga lưu ý, nhiều người thường lầm tưởng, khi cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt và kẽm, cơ thể sẽ hấp thu được 100% lượng sắt và kẽm có trong thực phẩm tuy nhiên khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%.
Bên cạnh đó, sắt và kẽm chủ yếu có trong đạm động vật như trứng, thịt bò, ghẹ, hàu… Trong khi bắt đầu ăn dặm, trẻ mới chỉ tập ăn với lượng nhỏ, những thực phẩm này lượng ăn cũng không nhiều, dẫn đến trẻ thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng, điển hình là kẽm và sắt.
Theo TS.BS Nga, đối với trẻ sau khi bị ốm, trẻ chậm lớn và trẻ biếng ăn nên bổ sung sắt và kẽm. Nên chọn các sản phẩm có hàm lượng sắt và kẽm đủ nhu cầu hàng ngày nhưng cũng không quá lạm dụng sẽ gây dư thừa.