Nghi ngờ giới tính bản thân vì bỗng thay giọng mai mái

Bé trai dậy thì từ năm 12 tuổi. Sau tuổi dậy thì, cậu phát hiện giọng nói mình bất ổn. Giọng cao, giống giọng nữ “eo éo”, kèm nói mệt, hụt hơi.

Giọng cậu thường xuyên vót lên như nữ giới, giọng yếu và đôi khi tắt ngấm không thành lời, không thể kiểm soát được. Nghĩ dậy thì nhiều điều còn thay đổi, cậu không nói chuyện với bố mẹ.

Bố mẹ cậu bé vì bận rộn công việc nên không để ý, mãi qua 5 tháng, gia đình mới phát hiện điểm bất thường trong giọng nói của con.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập luyện giọng

Để chữa cho con, mẹ đưa cậu đi khám chuyên khoa Nội tiết, Nhi và loại trừ bệnh lý rối loạn đặc tính sinh dục phụ. Thậm chí, cậu còn tham gia luyện thanh giáo viên âm nhạc nhưng không cải thiện được.

Bệnh có xu hướng nặng lên, cậu bé xấu hổ, ngại đi học vì thường bị các bạn trêu chọc.

“Nếu chỉ nghe giọng mà không nhìn hình, nhiều người sẽ nhầm cậu bé ấy là nữ giới”, ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

Một trường hợp khác cũng được bác sĩ Nhung khám, điều trị là nam sinh viên 18 tuổi ở Hà Nội. Cũng bất ngờ đổi giọng cao sau tuổi dậy thì, chàng trai trẻ rất hoang mang.

Từ một nam sinh hoạt bát, ưa vận động, cậu trở nên ít nói, khép kín, hay xấu hổ bởi mỗi lần phát âm, cậu lại trở thành “gánh hài” cho bạn bè. Giọng nói thay đổi thành tông nữ “mai mái”, thỏ thẻ, tác phong đi lại nhẹ nhàng của cậu cũng khiến chính bản thân và người quen lo lắng liệu cậu có lệch lạc giới tính hay không.

“Các trường hợp trên đây, bệnh nhân không có những tổn thương thực thể như: tổn thương não, không phát hiện các khối u lành tính như hạt xơ, polyp, u nang hay ác tính như ung thư thanh quản… nhưng lại có giọng nói không đúng tuổi, không đúng giới tính”- BS Hồng Nhung chẩn đoán hai bệnh nhân bị rối loạn giọng cao sau tuổi dậy thì.

Vì sao “lỗi giọng”?

Nữ bác sĩ cho hay rối loạn giọng cao sau tuổi dậy thì là một bệnh lý thường  gặp ở nam giới trong đó cao độ giọng nói duy trì ở mức cao bất thường khi đã qua tuổi dậy thì dù thanh quản đã phát triển bình thường và không có bất thường đặc tính sinh dục phụ. Đặc điểm chính về giọng nói là chất giọng cao (falsetto), giọng yếu, chuyển cao độ đột ngột, nói mệt, hụt hơi, giọng thở, ...

Nam giới dễ mắc hơn nữ giới, với tỷ lệ gặp là 1/900.000.

Đây là 1 bệnh thuộc nhóm rối loạn giọng chức năng kết hợp với căn nguyên tâm lý.

Vào tuổi dậy thì, nồng độ testosteron ở nam tăng cao hơn nữ, thanh quản ở nam có những biến đổi như góc sụn giáp thu hẹp và nhô ra trước, dây thanh phát triển dài ra (dài thêm khoảng 1cm) và dày hơn nên có giọng trầm xuống. Sự thay đổi giọng này kéo dài từ ba đến sáu tháng sau đó ổn định và thành giọng đàn ông.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã qua tuổi "vỡ giọng" nhưng giọng nói vẫn chưa "chuẩn men", vẫn thanh, cao, rè, thường xuyên vót lên như nữ và đôi khi tắt ngấm không thành lời. Biểu hiện này được xem là hiện tượng rối loạn giọng nói.

Sự "lỗi giọng" này cũng xảy ra ở các em nữ, khiến giọng các em trầm, khàn và gặp khó khăn khi hát những nốt cao… Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm hơn và không rõ ràng như các bạn nam.

Theo ThS Hồng Nhung, có nhiều nguyên nhân rối loạn giọng tuổi dậy thì. Thông thường là do sự tác động của nội tiết khiến giọng nói biến đổi đột ngột. Cụ thể, ở trẻ trai, khi đang nói giọng trẻ con lại chuyển đột ngột sang giọng trầm khiến nhiều em thấy ngại. Các em cố "níu kéo" giọng cũ của mình nên làm mất khả năng chủ động chính xác về cao độ của giọng.

Ngoài ra, khi các em nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp… đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.

Sự thiếu hụt trong chia sẻ, phát hiện để điều trị kịp thời lúc tuổi dậy thì cũng là một trong những nguyên nhân.

Một số trường hợp rối loạn giọng nói có thể do bệnh lý về dây thanh như: rãnh bẩm sinh ở thanh quản hoặc bệnh nhân mắc bệnh nội tiết, sinh dục, thượng thận và tuyến yên…

Can thiệp sớm để giọng “eo éo” không đeo bám suốt đời

Theo PGS.TS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và tâm lý, chất lượng cuộc sống người bệnh.

“Với những trường hợp rối loạn giọng cao sau tuổi dậy thì, nếu không can thiệp kịp thời, giọng mai mái, nữ cao của các nam thanh niên sẽ thành giọng vĩnh viễn, theo suốt cuộc đời họ” – BS Nhung cho hay.

Trong khi đó, nếu được phát hiện, điều trị, tốt nhất là trước 20 tuổi, không chỉ giọng nói được “nắn chỉnh” về đúng lứa tuổi, giới tính; chất lượng sống của bệnh nhân được nâng lên, trở lại cuộc sống bình thường.

Tiếp nhận các bệnh nhân nam có tông giọng nữ cao tại Bệnh viện Bạch Mai, trước khi khám tổn thương thực thể hay giọng nói, các bác sĩ chỉ định xét nghiệm tổng quát, khám nam khoa. Đặc biệt, các vấn đề về hormone, các chỉ số testosteron, estrogen… để loại trừ các nguyên nhân khác.

Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ khai thác kĩ bệnh sử và khám các cơ vùng cổ, khám bằng hệ thống nội soi hoạt nghiệm thanh quản. Đây là phương pháp hiệu quả kiểm tra rối loạn giọng nói đặc biệt những rối loạn giọng chức năng, theo dõi, hướng dẫn điều trị luyện giọng, phục hồi giọng nói, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thanh quản.

 Bệnh nhân cũng được ghi âm giọng nói bằng máy ghi âm chuyên dụng và phần mềm phân tích chất thanh PRAAT. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác phát âm để đánh giá các thang cảm thụ âm.

Riêng với hai ca bệnh trên đây, thay vì can thiệp, phẫu thuật, những buổi tư vấn tâm lý và các bài tập luyện giọng chuyên dụng chứng minh hiệu quả. Chỉ tới buổi thứ 3 và thứ 5 luyện giọng, giọng nam trầm “chuẩn men” của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt.

Theo BS Nhung, tỷ lệ thành công sau luyện giọng lên tới 80-95% nếu được phát hiện, điều trị sớm. Tuy nhiên, để thành công cần có sự hỗ trợ, kèm cặp theo sát của gia đình.  

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi thấy giọng nói thay đổi bất thường kéo dài trên 2 tuần nên tới khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.  

Thanh Hiền

Dậy thì sớm ở trẻ tăng 35 lần so với 10 năm trước, làm gì để phòng ngừa cho con?Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) trẻ dậy thì sớm hiện nay đã tăng 35 lần so với 10 năm trước. Vậy cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa giúp con?