Nghệ thuật kiểu mới

Kiến trúc sư Hassan Ragab đang sử dụng các chương trình AI như Midjourney để vẽ ra vô số khung cảnh tưởng tượng mang dấu ấn kiến trúc Ai Cập cổ đại. Ông cũng thể hiện những ý tưởng nhân sinh sâu sắc qua các bức vẽ từ máy tính.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những khu dân cư xung quanh thủ đô Cairo của Ai Cập có một kim tự tháp nằm giữa các cấu trúc bằng đá cứ sau vài dãy nhà? Hoặc các tòa nhà có hình tượng Nhân sư (Sphinx) ngồi uy nghi trên đỉnh mái? Suy nghĩ về một cảnh quan hiện đại tưởng tượng được kết hợp với các biểu tượng của đất nước trong quá khứ được đưa vào cuộc sống trực quan nhờ Hassan Ragab. 

Một số bức tranh vẽ bằng Midjourney của kiến trúc sư Hassan Ragab

Sử dụng Midjourney, Ragab tái hiện cảnh quan đô thị của thủ đô bằng cách kết hợp các yếu tố vay mượn từ di sản phong phú của đất nước. 

Từng làm việc với tư cách là nhà thiết kế ý tưởng và nghệ sĩ trong ngành điện ảnh, âm nhạc và thời trang, chính tinh thần tiên phong đã đưa ông đến với công cụ AI. Ragab bắt đầu loay hoay với DALL.E 2, một chương trình tạo hình ảnh AI tương tự như Midjourney khi nó vẫn còn ở phiên bản đầu tiên. 

Cả hai công cụ đều được ca ngợi khi sử dụng trong thiết kế, DALL.E 2 hướng nhiều hơn đến các nhà thiết kế đang tìm cách tích hợp ý tưởng trừu tượng vào thiết kế của họ trong khi Midjourney rất giỏi trong việc tạo ra phong cách thiết kế khác nhau. 

Trong loạt ảnh Bảo tồn và Tái sử dụng, Ragab cho hình ảnh tượng Nhân sư được đặt chồng lên các tòa nhà đổ nát tạo thành một phần cấu trúc đô thị của Cairo. 

Loạt hình ảnh mới Nơi trú ẩn, nói về hoàn cảnh của những người nhập cư khi đến một quốc gia khác, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, đều để lại một phần con người mình: đó chính là quê hương. 

Sử dụng hình ảnh thể hiện khái niệm siêu hình về sự mất mát và bị bỏ rơi, loạt tranh này gợi lên những ý tưởng mạnh mẽ. “Khi di cư, họ bỏ lại mọi thứ, nhưng trong trái tim, trong tâm hồn của họ, không ai thực sự rời khỏi nhà, họ mang nhà theo bên mình”, Ragab giải thích. 

Tuy tranh do AI vẽ ra đem lại nhiều cảm xúc về tính chân thực cũng như siêu thực về kiến trúc Ai Cập và tâm hồn người di cư… nhưng đây cũng là nguồn cơn gây tranh luận.

Tranh cãi ở xứ sở pharaoh

Nhiều sinh viên mỹ thuật Ai Cập đang sử dụng chương trình AI để sáng tạo các tác phẩm. Ảnh: Egyptian Streets

Nour Tarabieh giải thích: “Điều quan trọng nhất hiện nay không phải là làm thế nào chúng ta có thể sử dụng AI để giúp đỡ các nghệ sĩ?. Đó là làm thế nào chúng ta có thể sử dụng AI để loại bỏ các nghệ sĩ?”.

Tarabieh là sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Mỹ (AUC) ở thủ đô Cairo của Ai Cập, đồng thời là nghệ sĩ kỹ thuật số đứng sau @nourtarts trên Twitter, một tài khoản nghệ thuật với hơn 2.000 người theo dõi. 

Tarabieh tin rằng chương trình AI có thể bóc lột các nghệ sĩ như cách Mid-Journey bị buộc tội lấy tác phẩm của các nghệ sĩ khỏi trang web mà không có sự đồng ý cũng như bồi thường cho họ. Cô khẳng định AI có khả năng bị lạm dụng và đánh cắp tác phẩm nghệ thuật hàng loạt trên nền tảng kỹ thuật số. 

Tuy nhiên, một nghệ sĩ Ai Cập khác tên là Batool Nader nêu quan điểm: “Nếu AI không bắt chước nghệ thuật của con người thì những người khác cũng làm điều đó”.

Tarabieh thừa nhận rằng một số hình thức nghệ thuật AI được sử dụng trong phim Spider-Man: Across the Spider-Verse vô hại, thậm chí hữu ích đối với các nghệ sĩ, nhưng cũng có những người tạo ra nghệ thuật AI mang tính bóc lột, làm suy yếu khả năng sáng tạo. Cô mô tả tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ các chương trình AI là “ảm đạm” và “vô hồn”. 

Trong khi đó, Nader nói: “Nghệ sĩ mất hàng giờ cho một hình ảnh, song những thứ này (chương trình AI) tạo ra một triệu hình ảnh trong một giây”.

Nader không đồng ý với đánh giá của Tarabieh. Thay vì giết chết sự sáng tạo, cô coi các chương trình AI tạo hình ảnh giống như một phương tiện mới hơn.  

Ngoài ra, Nader nghi ngờ tính hợp lệ của những tuyên bố về hành vi trộm cắp tác phẩm nghệ thuật do con người sáng tác trong cách AI tái sử dụng chúng: “Các nghệ sĩ làm điều đó trong nhiều năm - không phải là mới. Mọi người lấy một hình ảnh mà người khác đã tạo ra và chỉ cần thay đổi nó”.

Kiến trúc Ai Cập do các chương trình AI tạo nên.

Còn Tarabieh lo lắng rằng ngành công nghiệp giải trí Ai Cập có thể sử dụng AI chỉ nhằm mục đích tạo ra nội dung tiêu thụ mới để thu lợi nhuận, bất kể ai bị ảnh hưởng. Cô lo ngại về việc vi phạm bản quyền. “Nghệ thuật không chỉ là thứ gì đó có vẻ tốt đẹp”, đồng thời than phiền về việc lạm dụng AI, vì trước đây nó được sử dụng để giúp đỡ các nghệ sĩ, nhưng giờ được coi như công cụ thay thế. 

Nader nói: “Tôi biết nhiều người coi đó (chương trình AI nghệ thuật) là mối đe dọa đối với nghệ thuật truyền thống. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Nó giống như khi máy ảnh được phát minh”. Sự xuất hiện của AI nghệ thuật đã truyền cảm hứng cho các phong trào nghệ thuật và buộc giới nghệ sĩ phải thử những điều mới. 

Thế nhưng, Nader khẳng định: “AI nghệ thuật vẫn mang tính 2D. Nó không bao giờ có thể mang lại trải nghiệm về cuộc sống thực”.

Thực trạng chung trên toàn cầu

Chương trình AI là phần mềm được sử dụng để sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật ngay lập tức dựa trên lời nhắc bằng văn bản. Mặc dù nó sở hữu các ứng dụng hữu ích, bổ sung cho nghệ thuật hoặc hợp lý hóa một số quy trình hoạt hình, song có nhiều tranh cãi xoay quanh cách AI được đào tạo trên tài liệu có bản quyền và liệu nó có thay thế nghệ thuật do con người tạo ra hay không. 

Các nghệ sĩ tuyên bố phần mềm đang được sử dụng để lấy các tác phẩm mà họ mất nhiều giờ, nhiều ngày sáng tác để tạo ra phiên bản khác sau vài giây với câu lệnh thích hợp. 

Một số chương trình còn có tùy chọn nhập câu lệnh mang tên nghệ sĩ cụ thể, vì vậy phong cách của họ được sao chép trong sản phẩm do AI làm ra. 

Linh Nhi (Theo Egyptian Streets, Daily Mail)