Năm 2007, khi tôi có việc qua Nam Ninh để tìm một người phiên dịch tiếng Trung cho đoàn làm phim, người này đã phiên dịch cho đoàn “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, thì Jobson Ton, một người Trung Quốc nói tiếng Việt ngọng nghịu đã rủ tôi đến Công ty Phim ảnh Nam Ninh (Có thể tên chính thức dịch ra hơi khác một chút).

Nó là một khu nhà cũ kỹ, xung quanh nhiều gian trổ ra mặt đường cũng bán hàng ăn hay làm gì đó. , Vì sao Jobson lại rủ tôi đến đó? Chính anh ta đến đó mới nói: Vì em cho anh biết, nơi này chính là nơi Trương Nghệ Mưu đã làm việc, có thể là vẫn có biên chế “biểu kiến” ở đó.

Bấy giờ Trương Nghệ Mưu đã là máy in tiền của xã hội Trung Quốc. Ngoài làm phim ăn khách, ông ta đạo diễn 4 chương trình biểu diễn ngoài trời, bắt đầu từ Tây Hồ, Hàng Châu nổi tiếng thu hút du lịch, và đang chuẩn bị đạo diễn cho Olympic Bắc Kinh.

Lý luận của Jobson Ton rất đơn giản: Trương vốn là dân quay phim, ông ta quay phim bằng máy quay như mọi người, còn có thể cũ kỹ hơn, ông ấy lại làm việc ở một nơi xoàng xĩnh như mọi người. Nhưng tại sao ông ấy làm phim hơn mọi người. Bắt đầu từ phim “Anh hùng”, “Thu Cúc đi kiện”.

Tuy nhiên, cứ làm phim kiểu đó, ông ấy không thể tiến xa được. Mấu chốt là kỹ thuật làm phim chứ không phải chỉ có quay phim. Làm phim ở đây có chuyện bối cảnh, hóa trang, kỹ xảo. Khi đó, năm 2008, Hoành Điếm, Trung Quốc đang là nơi nổi như cồn.

{keywords}
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Hoành Điếm sau năm 2005 là nơi tập trung 11 trường quay hoành tráng, đa dạng mà những người làm phim khắp thế giới đến đó. Bắt đầu từ phim “Chiến tranh thuốc phiện”, họ xây một đoạn thành cổ, một hồ nước và cái tàu cổ quay phim rồi giữ lại. Rồi cứ quay phim nào, làm bối cảnh phim ấy rồi giữ lại, hình thành Trường quay Cận đại.

Trường quay này có phố Hồng Công, phố Bắc Kinh, phố Quảng Châu, có tô giới các nước, có đủ loại nhà truyền thống Trung Quốc thời cận đại. Hàng ngày, khách du lịch chen chúc. Các đoàn phim cần có dải dây để ngăn cách với khách du lịch. Có khu vực hàng ngày diễn ra cảnh đã từng quay phim cho du khách xem, ví dụ cảnh đánh nhau với cướp biển.

Trương Nghệ Mưu đóng góp cho Hoành Điếm trường quay Tần- Hán. Với 250 triệu đô la toàn bộ tiền làm phim, không biết dành bao nhiêu để làm cung điện Tần Thủy Hoàng, mà đã biến một cái đồi thành cung điện và hệ thống cung A phòng mênh mông, hoành tráng.

Người Trung Quốc am hiểu văn hóa như Jonson Ton cũng công nhận, theo thư tịch, quy mô thật sự không thể rộng như thế. Sau đó, Hoành Điếm giữ lại, làm thành trường quay Tần Hán. Trường quay này làm nên tên tuổi phim “Anh hùng”, sau đó hàng nghìn phim về thời đại Tần –Hán đều đến đây làm phim. Người ở đây vẫn kể cho tôi rằng, Trương Nghệ Mưu dùng 25 xe tải chỉ để chở đèn, để quay cảnh đêm ở trường quay. Ngoài ra còn đạo cụ, trang phục, đoàn làm phim của ông ngót 100 xe tải.

Hoành Điếm có các trường quay theo chuyên đề. Những phim đời Thanh ta thấy trên truyền hình, hầu hết quay tại trường quay Minh Thanh. Ở đó, toàn bộ cố cung và Thiên An Môn được dựng trên diện tích 50ha, nhà và công trình thu gọn tỷ lệ 1:0,7.

Có trường quay thời Tống, tên là trường quay “Thanh minh thượng hà đồ”. Có trường quay lịch sử cách mạng, vì đã làm phim “Trường Chinh” ở đấy…

Bên cạnh đó, có khu công nghiệp điện ảnh và phim khoảng 200 công ty, cung ứng mọi mặt về làm phim, từ hóa trang, dụng cụ hóa trang, vật liệu, hậu kỳ, đèn, máy phát điện… Có nhiều công ty cung ứng nhân lực.

Sáng sớm ở một sân rộng trong thành phố, người ta đến đông vài trăm, có khi hàng nghìn người để đóng vai phụ. Các ông làm phim của các đoàn đến đó, như một thông lệ thỏa thuận, chọn trước thì 200 tệ, chọn sau 100 tệ. Có khu phụ có thoại, có khu phụ không thoại. Có chỗ người cũ, chỗ người mới đóng phim…

Hoành Điếm là thành phố thuộc huyện Dương Đông, Triết Giang, nghĩa là cấp hành chính rất thấp. Nguyên đây chỉ là một làng nghèo đất đai cằn cỗi, nhiều đồi núi. Trong khi huyện Nghĩa Ô bên cạnh đã đón làn gió mới, trở thành trung tâm thương mại lớn nhất toàn Trung Quốc, thì trung tâm huyên Dương Đông cũng chỉ tiếp tục nghề mộc với sản phẩm gỗ.

Năm 2008, đến Nghĩa Ô, một thành phố huyện mà có 2 sân bay, bến tàu bến xe chả khác gì sân bay Nội Bài. Trung tâm thương mại là một khu vực bằng 20 cái sân bóng, có hơn 100 cửa vào cho xe công chở hàng vào được, có văn phòng đại diện của tất cả các nước trên thế giới, có mọi sắc dân đen đỏ vàng tóc đen tóc vàng mũi lõ mũi tẹt.

Tôi đã thử đi qua gian hàng giày dép rồi lạc rất lâu mới ra được. Nhưng mặt trái của Nghĩa Ô và Dương Đông là ô nhiễm môi trường, nạn nhân mãn, vấn đề xã hội rất nan giải về nghiện hút, bài bạc, ăn chơi, trộm cắp, tức là có mọi thói hư tật xấu của nền kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh ấy, người đứng đầu xã Hoàng Điếm đã táo bạo kêu gọi vốn cho các đoàn phim đến làm và trở thành một trung tâm phim trường nổi tiếng, kéo theo du lịch phát triển. Xã hội Hoành Điếm phát triển lành mạnh, con người an bình. Đó là một trường hợp đưa địa phương lên thịnh vượng bằng văn hóa được ca ngợi ở Trung Quốc.

Năm đó, tôi có mời mấy quan chức đi Hoành Điếm, trong đó có người ở Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, ở Bộ Tài chính, là những người thường tiếp xúc với chúng tôi duyệt kế hoạch, duyệt tiền để làm phim. Cảm giác đầu tiên là bị choáng ngợp. Mọi người đều nói, không thể tưởng tượng được họ lại làm phim như vậy, thảo nào phim của họ khác của mình, hóa ra mình chưa có cái gì cho các bạn làm phim.

Xuân Hưng