Thử tìm hiểu EVN đang phải bù lỗ ở đâu và khu vực nào?

Giá mua điện bình quân theo các loại hình phát điện quý 1/2023 của EVN là 1.844,9 đồng/kWh. 

Trong khi đó:

Giá bán lẻ điện cho sản xuất ở giờ bình thường cấp điện áp từ 110 kV trở lên là 1.584 đồng/kWh, từ 22-110 kV là 1.604 đồng/kWh, từ 6-22 kV là 1.661 đồng/kWh, dưới 6 kV là 1.738 đồng/kWh. Giá điện giờ bình thường của sản xuất đều thấp hơn giá mua vào của EVN.

Thủy điện Hòa Bình

Giá điện sinh hoạt thấp nhất là 1.728 đồng/kWh, 50 kWh tiếp theo là 1.786 đồng/kWh, ở bậc sử dụng 101-200 kWh một tháng là 2.074 đồng/kWh. Như vậy, chỉ có các hộ sinh hoạt sử dụng đến 100 kWh một tháng mới có giá điện thấp hơn giá mua điện bình quân quý 1/2023 của EVN. Số hộ sử dụng đến 100 kWh một tháng có khoảng 8 triệu hộ trên tổng số 27,9 triệu hộ gia đình.

Điện sử dụng sinh hoạt năm 2022 xấp xỉ 68 tỷ kWh trên tổng số 242,7 tỷ kWh (28% tổng điện tiêu thụ). Trong đó, 8 triệu hộ có giá điện bậc 1 và 2 chỉ tiêu thụ 5,4 tỷ kWh (chiếm 2,2% tổng tiêu thụ), bình quân dùng 56 số điện một hộ một tháng. Ngoài ra, gần 20 triệu hộ cũng được sử dụng 100 số điện giá thấp một tháng với sản lượng năm 2022 là gần 24 tỷ kWh (chiếm 9,9% tổng tiêu thụ). Như vậy, điện sinh hoạt 2 bậc giá đầu chỉ chiếm khoảng 12% tổng lượng điện tiêu thụ. Phần còn lại của điện sinh hoạt chiếm 16%. Nếu bù trừ thì giá điện bình quân của điện sinh hoạt không phải là giá ngành điện phải bù lỗ.

Như vậy giá điện thấp lại nằm ở khu vực sản xuất, nơi mà EVN thực hiện nhiệm vụ chính trị bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hoá và thu hút đầu tư với nhân công rẻ và giá điện rẻ.

Theo bảng trên thì cứ 1kwh điện tiêu thụ tạo ra 1,6USD GDP cho nước ta. Nhìn sang các nước bạn thì con số của chúng ta thấp hơn nhiều, cho thấy phát triển kinh tế của nước ta đang phụ thuộc vào nền công nghiệp tiêu tốn nhiều điện năng. Và với chính sách ưu đãi bán giá điện sản xuất như hiện nay thì EVN sẽ tiếp tục bù lỗ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Năm 2022 EVN báo cáo lỗ trên 26.000 tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng cao (hợp đồng mua điện thì chi phí nhiên liệu theo nguyên tắc chuyển ngang). Chính phủ đã có quyết định tăng giá bán lẻ điện 3% trên cơ sở kiểm toán liên ngành về tăng chi phí đầu vào của EVN.

Đi sâu vào phân tích tình hình kết quả kinh doanh của các Tổng công ty con của EVN có kết quả sau:

Mảng truyền tải

EVNNPT đang vận hành 10.467 km đường dây 500 kV và 18.959 km đường dây 220 kV; 37 trạm biến áp 500 kV và 148 trạm biến áp 220 kV (tổng dung lượng 116.400 MVA). Năm 2022 sản lượng điện truyền tải 211,47 tỷ kWh, tổn thất điện năng 2,54%. 

Mục tiêu 2023 là khoảng 217,8 tỷ kWh, chỉ tăng khoảng 3% so với 2022. Năm 2022, với doanh thu 16.857 tỷ đồng, sản lượng điện truyền tải 211,47 tỷ kWh thì tính ra doanh thu tính theo 1 kWh chưa đến 80 đồng. Với Lợi nhuận gộp khoảng 15,2 đồng/kWh thì chi phí tài chính chiếm khoảng 85%, chi phí QLDN 20% Lợi nhuận, doanh nghiệp gần như chỉ hoà vốn.

Mảng phát điện

Bao gồm 3 Tổng công ty phát điện, Genco1, Genco2, Genco3 và một số ban quản lý. Các dự án và công ty phát điện của EVN đều hoạt động có lãi, đơn cử năm 2022, sản lượng điện của 3 GENCO khoảng 79 tỷ kWh, tổng lợi nhuận gộp đạt 15.340 tỷ đồng, bình quân 194 đồng/kWh. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.000 tỷ đồng (năm 2021 là hơn 12.000 tỷ đồng)

Mảng phân phối

Bao gồm 5 Tổng công ty vùng miền, doanh thu trung bình của 5 Tổng công ty phân phối khoảng trên 400.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 80-100 đồng/kWh, với lợi nhuận này thì chỉ đủ cân đối chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng luôn có dòng tiền luân chuyển trong tài khoản để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn đến kỳ phải trả (nợ vay ngân hàng để đầu tư phải trả gốc và lãi, vật liệu, trả lương, nộp thuế, cấp vốn thanh toán đầu tư …, đặc biệt khoản lớn nhất là trả tiền mua điện hàng tháng).

Ví dụ, theo định mức tính toán thì 5 Tổng công ty phân phối phải có dòng tiền sẵn sàng trên 40.000 tỷ đồng. Năm 2021-2022 doanh thu của 5 Tổng công ty phân phối khoảng trên 400.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng thu trên 33.000 tỷ theo chu kỳ ghi số điện hàng tháng tiền về đương nhiên phải gửi vào tài khoản ngân hàng rồi trả cho các khoản nói trên.

Con số lỗ năm 2022 lên đến 26.000 tỷ đồng là do công ty mẹ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn lên đến gần 10.000 tỷ đồng và tương ứng là số hạch toán vào chi phí tài chính. Thực tế, tất cả các công ty con của EVN (truyền dẫn, phát điện, phân phối) đều không lỗ nên số dự phòng này sẽ không xuất hiện tại báo cáo 31/12/2022. Nguyên nhân lỗ cuối cùng chỉ còn là mua đắt bán rẻ và lợi nhuận gộp âm. Công ty mẹ đảm bảo cho các GENCO có lợi nhuận gộp gần 190 đồng/kWh, truyền tải gần 15 đồng/kWh, phân phối gần 80 đồng/kWh. Chênh lệch còn lại bộ phận kinh doanh công ty mẹ phải chịu (các nhà máy phát điện của công ty mẹ cũng phần lớn không lỗ). 

Nhiều chuyên gia cùng chia sẻ giải pháp trước mắt là chỉ có tăng & giảm giá điện theo đầu vào (tất cả những thứ đầu vào đều theo thị trường, trừ tiền lương chiếm khoảng 5-7% giá thành), đủ bù đắp chi phí, không lỗ, để có điện dùng rồi tính tiếp. 

Giải pháp lâu dài phải nhanh chóng hình thành thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh theo quy định của Luật điện lực 2004. Đây chính là phương sách xử lý tắc nghẽn và phức tạp về thiếu điện và lỗ của EVN, tất cả các loại hàng hóa đều theo thị trường, riêng giá điện không theo thị trường nên 2 bên mua bán thường xảy ra vướng mắc về giá.

Khi có thị trường điện thì thuận mua vừa bán, cạnh tranh quyết liệt, không có ai kêu ca, công ty nào bán đắt thì hôm đó sẽ phải đóng cửa, giá điện sẽ dao động và dần về giá hợp lý, thuận mua vừa bán, lợi ích hài hòa. Nhà đầu tư có lợi nhuận sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, không lo thiếu điện.

Tuy nhiên, xin lưu ý điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường cũng nên nghiên cứu kỹ và có điều kiện. Điều rất quan trọng là giá điện phải phản ánh được thực chất chi phí sản xuất ra điện và có chú trọng đến nhu cầu lợi nhuận của nhà đầu tư, khi nào nền kinh tế ổn định thì phải tính ngay đến giá điện cần cộng thêm giá của việc bảo vệ môi trường nữa hoặc chi phí phát thải khí nhà kính để tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các loại hình nhiệt điện truyền thống và điện tái tạo.

Nên có định hướng để giá điện công nghiệp phải được thả nổi theo giá thị trường trước rồi sau đó giá điện sinh hoạt thả nổi sau. Bảng giá điện cần có thêm hệ số hiệu chỉnh cộng với giá nhiên liệu đầu vào được phê duyệt hàng năm bởi một hội đồng chuyên ngành có đại diện của các bên liên quan.

Lời kết

Điện là loại hình năng lượng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước đặc biệt là cho sự phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khi mọi loại hình sử dụng năng lượng đều hướng tới việc sử dụng điện thay vì các loại nhiên liệu sơ cấp khác. Nhu cầu về điện luôn tăng cùng với sự phát triển kinh tế. Việc đảm bảo nguồn cung cấp điện đầy đủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Nhu cầu của loài người trong việc giảm phát thải khí nhà kính là hiển nhiên trong tình trạng các dự báo về biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên hiện thực do sự nóng lên toàn cầu mà việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất điện đóng một vai trò to lớn.

Những phát triển mới trong công nghệ phát điện đã tạo ra sự chuyển đổi từ việc có được các nhà máy phát điện lớn với nguồn phát điện chủ động sang nhiều loại hình nguồn phát nhỏ từ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, rác, sinh khối, thủy điện nhỏ v.v. với độ bất định cao theo thời tiết đòi hỏi những yêu cầu mới về điều độ hệ thống với những phương pháp cân bằng phụ tải thông minh hơn.

Cuối cùng, mọi hoạt động sản xuất, sử dụng, phân phối điện đều được quyết định và điều hướng bởi giá điện theo đó giá điện thấp sẽ kích thích sự sử dụng điện kém hiệu quả còn giá điện cao sẽ ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế xã hội và có thể gây ra các mức độ lạm phát nhất định.

Tuy nhiên, là một ngành sản xuất với các chi phí đầu vào và doanh thu đầu ra rõ ràng, để phát triển ổn định thì giá điện cũng vẫn phải tôn trọng quy luật của thị trường hàng hóa để có thể khuyến khích đầu tư và phát triển.

Các yếu tố cấu thành giá điện từ chi phí sản xuất, truyền tải phân phối, và bán lẻ cần phải được xác định một cách sòng phẳng và chính xác để làm cơ sở cho việc thu hút nhiều nguồn lực cho quá trình phát triển đó.

Tô Văn Trường

Giải bài toán ‘thừa, thiếu’ của ngành điệnVới cơ chế hiện tại, cho dù việc tái cơ cấu lại EVN, thu hút thêm doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài khác tham gia đầu tư và hoạt động của chuỗi cung ứng điện thì liệu có giải quyết triệt để được phạm trù “thừa & thiếu” điện này không?