15h chiều một ngày tháng Tám, phòng làm việc của cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đón bốn công dân đặc biệt đến làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp theo đề án của Bộ Công an.
Cả bốn công dân đến từ các xã Bum Tở và Pa Vệ Sủ của huyện Mường Tè đều không thể nhớ nổi ngày và tháng sinh của mình khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp.
"Tôi chỉ nhớ mình sinh năm 1978, còn lại ngày và tháng sinh thì không có giấy tờ gì lưu lại. Năm tôi sinh ra vì khó khăn nên bố mẹ không nhớ ngày tháng sinh", ông Phùng Giò A. (xã Bum Tở) nói.
Bốn công dân trên không phải là những trường hợp cá biệt tại huyện biên giới Mường Tè. Có trường hợp nhiều người sống cùng một bản, một xã có ngày và tháng sinh giống nhau.
Từng công tác nhiều năm tại Công an xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Trung úy Lý Xá cho biết, thời điểm Bộ Công an triển khai đề án cấp CCCD, ông cùng đơn vị đồng hành với bà con thực hiện đề án nêu trên.
"Người dân ở xã Pa Ủ rất hưởng ứng, đến làm đông và kiên nhẫn chờ dù đến tối khuya mới đến lượt để làm. Công an xã và phối hợp với chính quyền quyên góp các suất ăn nhẹ để hỗ trợ dân bản", Trung úy Lý Xá nói.
Ông Lý Xá cho biết, do đời sống bà con gặp nhiều khó khăn nên có những bản ở xã Pa Ủ người dân không thể nhớ nổi ngày, tháng sinh của mình. Số trường hợp này tập trung đông ở những người sinh năm 1990 trở về trước.
"Khi người dân đến làm thủ tục được hỏi ngày tháng sinh nhưng không có giấy tờ chứng minh thì chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn là ghi ngày và tháng sinh là 1/1", Trung úy Lý Xá kể lại.
Được biết, khi công dân đến làm thủ tục cấp căn cước công dân mà quên ngày, tháng sinh, cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Cụ thể, trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh thì ngày, tháng sinh là ngày 1/1 của năm sinh; trường hợp xác định được tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh là ngày 1 của tháng sinh.
Thống kê của Công an huyện Mường Tè, toàn huyện có 7.345 người dân có chung ngày tháng sinh là 1/1.
Tô đậm thêm "cột mốc" biên cương
Theo Thượng tá Lù Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Mường Tè, quá trình triển khai hai đề án cấp căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, gian khổ.
Cụ thể, với địa bàn rộng lớn, địa hình hiểm trở, dân cư sống rải rác không tập trung và lực lượng công an chính quy và cán bộ chuyên môn còn mỏng nên khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn.
Trước tình hình trên, Thượng tá Lù Văn Hoàn cho biết, Công an huyện đã ban hành nhiều kế hoạch và phương án triển khai thực hiện hai đề án nêu trên hiệu quả. "Hiện nay việc cấp căn cước công dân đã đạt 80%", ông Hoàn thông tin.
Theo Trưởng Công an huyện Mường Tè, với đặc thù địa bàn có đường biên với Trung Quốc nên việc thực hiện 2 đề án nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
"Mỗi một người dân ở Mường Tè như một 'cột mốc chủ quyền' của đất nước, việc làm sống lại dữ liệu dân cư theo đề án của Bộ Công an như thêm một lần tô đậm cột mốc biên cương của Tổ quốc", Thượng tá Hoàn chia sẻ.
Đề cập về việc nhiều người dân quên ngày, tháng sinh, Thượng tá Lù Văn Hoàn cho biết, việc này đã có hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan Trung ương nên khi triển khai ở cơ sở không gặp nhiều khó khăn. Có nhiều bản đa số người dân sau khi cấp căn cước công dân đều có cùng ngày sinh nhật.
Báo cáo của Công an tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến ngày 15/6/2022, tổng số hộ, nhân khẩu hiện đang cư trú trên địa bàn tỉnh Lai Châu là gần 500.000 nhân khẩu, tương ứng với hơn 100.000 hộ dân. Tính đến cuối tháng 7/2022, thực hiện dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD, toàn tỉnh đã tiến hành thu nhận 310.285/316.530 hồ sơ, đạt 98%. Tổng số thẻ CCCD đã trả cho công dân là hơn 274.000 thẻ. |