Ngày nay, cùng với sự phổ cập của các loại điện thoại thông minh, những người ở lứa tuổi trung niên vốn ít được tiếp cận với công nghệ cũng bắt đầu bị cuốn vào thế giới mạng đầy cám dỗ. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các ứng dụng phát clip ngắn cũng thu hút một lượng người dùng khổng lồ ở đủ mọi lứa tuổi, và các bậc phụ huynh cũng không phải ngoại lệ.
Khi các bậc phụ huynh bị cuốn vào "vũ trụ TikTok"
"Tôi đã phải nghe mẹ mình hát đến N lần "Chúng mình cùng học tiếng mèo kêu, nào cùng meo meo meo meo meo…", cũng quen với mấy câu cửa miệng hot trên mạng xã hội được bố tôi phát ngôn mỗi ngày. Thế nhưng, điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất là trong một lần lướt TikTok lại vô tình phát hiện ra bà ngoại mình nhiệt tình comment dưới đoạn clip hát nhảy trên nền nhạc DJ Ai Là Tân Lang Của Em đang cực hot." - Lời tâm sự của một cô gái trẻ người Trung Quốc đã nhận được vô số sự đồng cảm từ cộng đồng mạng xã hội ở đất nước tỷ dân.
Vẫn là cô gái ấy chia sẻ, ước mơ lớn nhất của mình trong năm nay chính là có ai đó hãy mau phát minh ra "phần mềm giúp các bậc phụ huynh đừng nghiện TikTok nữa" hoặc một thứ gì đó tương tự, miễn là có thể giúp bố mẹ và cả bà ngoại của cô mau mau thoát khỏi cơn trầm mê này.
Ông Lý là một người đàn ông trung niên sống ở quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Cách đây không lâu, vợ ông về quê ngoại chơi và được cháu gái tải cho một ứng dụng "gì đó" trên điện thoại để xem clip giết thời gian. Ông Lý cảm thấy đây cũng là cách hay để giúp vợ khuây khỏa lúc tuổi già nên cũng không nghĩ ngợi gì nhiều.
Nhưng càng ngày ông càng thấy phiền phức khi bà vợ già của mình suốt ngày ôm khư khư chiếc điện thoại, trượt lên trượt xuống ngón tay một cách say sưa. Từ lúc thức giấc cho đến khi nấu nướng, ngủ trưa, ăn cơm rồi tới tận khi mơ màng chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, bà Lý hầu như chẳng lúc nào rời mắt khỏi màn hình điện thoại.
Một thời gian sau, ông Lý bắt đầu thấy vợ hay bị mất ngủ, thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt. Tình trạng của bà Lý nặng đến mức buộc phải đến bệnh viện khám chữa. Cho tới khi nghe bác sĩ kết luận về nguyên nhân gây ra tình trạng của vợ mình là vì xem điện thoại quá nhiều, ông Lý thật sự không biết nên khóc hay nên cười nữa.
U mê không lối thoát
Tiểu Triệu - một nghiên cứu sinh đang phải học ở nhà vì dịch bệnh - cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như ông Lý.
Mẹ của Tiểu Triệu bắt đầu sử dụng TikTok từ 3 năm trước. Trong thời gian dịch bệnh, có lẽ vì nhàm chán nên bà thường lướt TikTok cả ngày, không những vậy, bà còn mở loa cực to giống như cho cả nhà cùng nghe.
Tiểu Triệu cảm thấy sự chú ý và trí nhớ của mẹ mình càng ngày càng kém, nói chuyện 3 câu cũng chỉ nhớ được một câu, thậm chí là nửa câu. Mỗi khi nói chuyện với người khác, dường như bà chỉ mong cuộc nói chuyện nhanh chóng kết thúc để lại tiếp tục được lướt TikTok. Lúc làm những việc khác bà cũng không mấy tập trung, thường hay thất thần.
Bên cạnh đó, bà còn biến group chat của gia đình thành nơi chia sẻ đủ các thể loại clip. Trước đây bà hay gửi những tin tức đọc được trên mạng cho cả nhà cùng xem, nhưng giờ thì như biến thành "chuyên gia TikTok", trong clip nói gì thì chính là như thế, TikTok có gì hot thì đi mua thứ ấy…
Dù đã thử nhiều cách, nhưng Tiểu Triệu vẫn bó tay vì không thể tách bà khỏi cái "vũ trụ TikTok" đầy hấp dẫn ấy, thậm chí có muốn rủ bà đi du lịch vài ngày cho khuây khỏa cũng không được. Cô chia sẻ hiện giờ chỉ mong mau chóng tốt nghiệp rồi dồn toàn tâm toàn lực giúp mẹ khỏi u mê và đừng lãng phí nửa đời còn lại vào phương thức giải trí này nữa.
Nguồn an ủi từ những giấc mơ hoang đường
Ở Trung Quốc, nhiều người gọi smartphone là "thuốc độc thời hiện đại", còn những người trung niên nghiện xem điện thoại, cả ngày chỉ vuốt vuốt màn hình không quan tâm đến bất kỳ thứ gì xung quanh là "tộc tóc bạc". Theo báo cáo gần đây của tổ chức Nghiên cứu ngành nghề, thời gian sử dụng mạng (internet) di động của "tộc tóc bạc" đã tăng lên đáng kể, mỗi tháng tối thiểu là 118 giờ. Như vậy, tính ra bình quân mỗi người trung niên sẽ dùng ít nhất 4 tiếng đồng hồ để vào mạng di động mỗi ngày, và con số này được dự báo còn có khuynh hướng tăng mạnh trong tương lai.
Thế nhưng tại sao những bậc phụ huynh ở tuổi trung niên lại mê mẩn các loại ứng dụng xem clip ngắn đến vậy? Không chỉ đơn thuần là để giết thời gian như ý nghĩ ban đầu, mà dường như những ứng dụng ấy còn mở ra cho họ cả một "bầu trời tri thức" và giúp họ giải tỏa bao tâm tư tình cảm chôn giấu tận đáy lòng.
Đầu tiên, đây là nơi để những người ở tuổi trung niên gửi gắm tâm tình. Theo kết quả một cuộc khảo sát của trường Đại học Phục Đán (Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, là một trong những trường Đại học hàng đầu ở Trung Quốc), hơn 1/4 số người trên 60 tuổi luôn cảm thấy trong lòng cô đơn trống trải, và phụ nữ có xu hướng trầm trọng hơn đàn ông.
Những đoạn clip với nội dung đánh trúng tâm lý "Phụ nữ hãy đối xử với bản thân tốt một chút", "Đàn ông hãy cứ khóc đi đừng ngại ngần, bởi khóc đâu phải cái tội"… hay câu chuyện dở khóc dở cười của một bà lão vì rơi vào lưới tình với gã minh tinh giả mà nhất quyết đòi bỏ chồng, mù quáng tin rằng âm mưu đen tối chính là "tình yêu đích thực" khiến bao người ngao ngán, nhưng với các TikToker tuổi trung niên thì chúng lại giống như một liệu pháp xoa dịu tinh thần, giúp họ tìm được nguồn an ủi từ những giấc mơ hoang đường.
Tiếp nữa, "vựa" đạo lý ai nghe cũng muốn gật gù trên những ứng dụng này rất được lòng các cô bác trung niên. Vô số đoạn clip với bao châm ngôn, triết lý sống của những người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" khiến hàng loạt TikToker luống tuổi "tin sái cổ".
Có không ít bậc phụ huynh bỗng đùng đùng nổi giận, chỉ trích con cái bất hiếu sau khi xem vài đoạn clip với nội dung "Nuôi con trai hay con gái rồi cũng đều vô dụng", "Đẻ 10 thằng con trai thì đến 9 đứa bất hiếu", "Dựa dẫm con cái thì chẳng thà tự trông chờ vào bản thân còn hơn"…
Cạm bẫy bủa vây
Có một sự thật là những bậc phụ huynh tuy nhiều kinh nghiệm sống nhưng lại rất nhẹ dạ cả tin. Dường như họ tin tất cả mọi điều được truyền bá trong những đoạn clip ngắn trên các ứng dụng, từ thông tin bịa đặt như "thị trường lương thực bị đình trệ", hay "tinh chế thủy ngân có thể giúp trường sinh bất tử"… cho tới những điều phi lý và phản khoa học đến mức khó tin.
Đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng hồi đầu năm nay, không ít các vị phụ huynh vì quá rảnh rỗi nên luôn gửi cho con cháu mình những đoạn clip liên quan đến kiến thức sức khỏe mỗi ngày, khiến cho những người trẻ đôi khi phát bực.
Cũng bởi nắm bắt được tâm lý dễ bị dụ dỗ của các bậc phụ huynh, những kẻ lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều trên ứng dụng xem clip ngắn như TikTok, Kuaishou...
Một bạn trẻ bức xúc kể lại việc bố mình xem được đoạn clip "Mã Vân (Jack Ma) khởi nghiệp", trong đó giới thiệu đoàn đội của vị tỷ phú nổi tiếng muốn giúp đỡ những người nghèo làm giàu, chỉ cần nộp phí gia nhập 1.700 tệ (tương đương 5,9 triệu đồng) là một tháng sau có thể thu lãi hàng nghìn tệ. Không chút nghi ngờ, bố cô gái này cũng bắt đầu nuôi mộng "làm giàu không khó". Tuy nhiên, vì không nhận được sự ủng hộ của mọi người và không có đủ tiền để nộp cho "tổ chức", nên đến cuối cùng bố cô gái trẻ đã phải từ bỏ giấc mơ làm giàu của mình.
Thử lướt xem những ứng dụng kể trên một lúc, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những kẻ giả mạo minh tinh đi bán kem trộn hoặc đủ các loại vật dụng kém chất lượng mà vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ các cô bác trung niên. "Xin chúc mừng, bạn đã trúng thưởng", "Chỉ cần đầu tư, lợi nhuận lên đến 300%", "Đầu tư đảm bảo kiểu gì cũng có lãi"... những lời mời gọi đầy hấp dẫn luôn khiến các bậc phụ huynh xiêu lòng.
Ban đầu, những kẻ lừa đảo tiến hành tặng quà miễn phí, trao các loại phần thưởng, sau đó sẽ dùng lời ngon tiếng ngọt dụ những người dùng mê muội này mua sản phẩm kém chất lượng với cái giá trên trời. Tiếp đến, bọn chúng luôn có rất nhiều cách để chiếm đoạt tài sản của những "con mồi" đáng thương cả đời chỉ biết cần kiệm.
Theo thống kê của Trung tâm Dữ liệu dư luận thì tin đồn thất thiệt, tin quảng cáo sai sự thật và lừa đảo trực tuyến là những rủi ro mà người cao tuổi thường gặp phải khi sử dụng internet. Bên cạnh đó, họ cũng thường mắc bẫy bán hàng đa cấp, lừa đảo sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và đầu tư bất hợp pháp...
Trách nhiệm không của riêng ai
Với thuật toán thông minh, các ứng dụng xem clip luôn biết cách gợi ý cho người dùng những nội dung liên quan đến vấn đề mà họ đang theo dõi. Thế nên khi các bậc phụ huynh sử dụng ứng dụng ấy, họ sẽ luôn bị cuốn theo những thông tin tương tự và dần mất đi cơ hội tiếp xúc với nhiều lĩnh vực cũng như kênh thông tin khác nữa. Đôi khi, có những thông tin "như thật" mà họ cứ được nghe nhiều thì từ sai cũng có thể hoá thành đúng, bởi lời nói dối được lặp đi lặp lại cả ngàn lần rồi cũng sẽ có người tin nó là sự thật. Và càng tin tưởng thì họ càng chìm đắm, ai nói cũng không nghe, thậm chí còn cho rằng người ta thiếu hiểu biết hoặc đang cố tìm cách bẻ sai sự thật.
Không ít dân mạng chỉ biết than trời khi hàng ngày đều nhận được những đoạn clip có nội dung sai lệch do bố mẹ mình gửi đến, tuy nhiên có nói cỡ nào, giải thích ra sao thì các bậc phụ huynh cũng nhất định không tin. Có những người chỉ vì nhất mực sùng bái những clip kiểu này mà không tiếc lời mắng nhiếc con cái là đi sau thời đại, không biết cập nhật tin tức, thiếu nhạy bén nên mới bỏ lỡ mất cơ hội tốt... Chính điều đó đã góp phần tạo nên "khoảng cách thông tin giữa các thế hệ", khiến cho nhiều gia đình lục đục chỉ vì các thành viên không thể tìm được tiếng nói chung, không cách nào khơi thông được tư tưởng của nhau.
Trước đây bố mẹ là người dạy bảo chúng ta nhận biết thế giới, thì nay chúng ta cũng có trách nhiệm giúp bố mẹ phân biệt thật giả để thích nghi với xã hội hiện đại đang ngày càng nhiều cạm bẫy tinh vi.
Việc bài xích internet hay tẩy chay các ứng dụng giải trí là điều phi thực tế. Có lẽ không chỉ các nền tảng phải tìm cách chọn lọc, kiểm soát thông tin kỹ càng hơn, mà ngay cả xã hội và gia đình cũng cần hành động để tạo ra cho người lớn tuổi thêm nhiều lựa chọn giúp khuây khoả tinh thần lúc ở bên kia sườn dốc cuộc đời.
Theo GenK