Lời tòa soạn

Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) hằng năm là dịp tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc.  

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, VietNamNet xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những nhà báo liệt sĩ qua lời kể và hành trình 15 năm tìm hiểu, thu thập thông tin về 511 nhà báo liệt sĩ của nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An.

Vị trí chiến đấu của nhà báo

Nhân vật tiếp theo mà nhà báo Trần Văn Hiền kể cho chúng tôi là nhà báo Nông Văn Tư (SN 1944), phóng viên Điện ảnh QĐND Việt Nam, quê ở Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, hy sinh năm 1970, tại TP Vinh, Nghệ An.

Theo lời kể của ông Trần Văn Hiền, nhà báo Nông Văn Tư hy sinh khi đang tới địa phương này quay phim, tại trận địa pháo phòng không 85 ly, ở ngã tư đường Nguyễn Trãi và Phan Bội Châu (ngày xưa là cánh đồng).

Chọn lựa trận địa pháo phòng không để tác nghiệp thì rất có lợi về vị trí để ghi lại được những hình ảnh chân thực. Nhưng trận địa lại luôn là mục tiêu hứng bom đạn từ máy bay địch. Những người vào đây đều xác định sự nguy hiểm đến tính mạng. 

Hình ảnh nhà báo Nông Văn Tư (giữa) đang tác nghiệp. Ảnh: Quốc Huy chụp lại

“Mới vào trận địa tác nghiệp, các anh bộ đội nói rằng đứng ở đây rất nguy hiểm. Anh Nông Văn Tư trả lời ngay “đây là vị trí chiến đấu của những người làm báo chúng tôi”, ông Hiền nhớ lại. Ông coi lời nói của đồng nghiệp là “Dáng đứng dưới tầm bom”.

Rồi trận địa pháo nơi ấy trở thành mục tiêu bị ném bom, nhà báo Nông Văn Tư đã anh dũng hy sinh tại TP Vinh. Mãi sau này, xưởng phim QĐND mới mang hài cốt từ nghĩa trang TP Vinh về quê hương Thái Nguyên.

Nhà báo Trần Văn Hiền kể tiếp về nhà báo Lê Văn Luyện (SN 1944), phóng viên Quân giải phóng Khu 5, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Anh Luyện vào Khu 5 năm 1965, đến năm 1970 thì hy sinh ở vùng Quế Sơn, Trà Bồng, Quảng Nam. Anh đi theo Trung đoàn độc lập (phiên hiệu 70).

“Theo giấy báo tử, anh Luyện hy sinh ở dưới chân núi Liệt Kiểm. Sau này, con cả là Lê Văn Sơn, học Đại học Vinh, tình nguyện vào Quảng Nam để dạy học ở vùng Quế Sơn, mục tiêu chính là tìm mộ bố mình. Dạy học 4 năm nhưng không tìm được phần mộ của bố. Sau này, quay ra dạy học ở quê lại bị nhiễm chất độc da cam”, ông Hiền trầm tư nói.

Nặng nghĩa với nhiều đồng nghiệp

Ông Trần Văn Hiền tiếp mạch ký ức về nhà báo Dương Phước An (quê Quảng Trị) làm báo Điện ảnh Quân giải phóng, hy sinh năm 1968, ở Lộc Ninh (Tây Ninh) trên đường tiến vào Sài Gòn.

“Đặc thù điện ảnh đi tác nghiệp lúc nào cũng có 2 người, khi trúng bom thì anh An bị thương nặng và không thể đứng quay. Anh nói với người đi cùng - Hãy cầm máy quay tiếp. Anh An đã hy sinh tại trận địa…”, ông Hiền kể.

Vợ chồng nhà báo Dương Phước An (vợ là Nguyễn Thị Mận) có 2 người con trai đều chết vì bom mìn vào năm 1978. “Cả 2 đứa đi chăn bò thì dẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh và tử nạn. Đây là nỗi đau thấu tận trời xanh mà không ai chịu đựng nổi”, giọng ông Hiền nghẹn ngào.

Trường hợp nhà báo Lê Đoan, hy sinh năm 1968 (tại Mỹ Tho, Tiền Giang), sau này các con bốc mộ mẹ lên chỉ còn một tấm áo len màu tím Huế mang từ Hà Nội vào. Nhà báo Trần Văn Hiền viết bài: “Khoảng lặng giữa 2 nửa trái tim”. Vì sao vậy? Năm 1954, khi ra Hà Nội, bà Đoan đưa 2 đứa con ra, còn chồng, bố mẹ và người thân ở lại miền Nam.

Đến năm 1965, bà Đoan đi đường biển vào miền Nam, 2 đứa con còn nhỏ mới 7 tuổi ở lại miền Bắc nhờ Hội Phụ nữ chăm sóc.

Nhà báo Trần Văn Hiền còn viết chân dung về 30 người là nhà báo đã hy sinh, đăng trên các báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Người Làm Báo, Thông tấn xã Việt Nam.

Hình ảnh 2 anh em ruột là nhà báo Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn. Ảnh: QH chụp lại

Ông Hiền kể tiếp về hai anh em ruột là nhà báo liệt sĩ Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam ở Mỹ Tho, Tiền Giang; nhà báo Lê Văn Vượng thông tấn xã Khu 5, hy sinh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi khi chống địch càn; ông Phạm Hồ, báo Cờ giải phóng Khu 5…

“Tôi cảm giác bản thân mình đang mắc nợ với các đồng đội. Các anh hy sinh đã phải dừng lại công việc viết lách. Tôi muốn dựng lại một phần ít ỏi những công lao, chiến tích của những nhà báo trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều nhân vật tôi viết nhưng thật sự khó kể hết được”, ông Hiền nói.

Những lời nhà báo Trần Văn Hiền kể với phóng viên, tất cả mọi khoảnh khắc của từng đồng nghiệp, mốc thời gian, sự kiện và số liệu đều được ông nhớ như in mà không cần xem lại tư liệu.

Trần Quốc Huy, Nguyễn Hải Dương, Phùng Thu Thủy, Lê Thị Như Quỳnh

Kỳ cuối: Những kỷ vật chiến trường và nơi thờ tự danh sách 511 nhà báo liệt sĩ