Nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây đã có bước tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.  Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chính sách nhằm đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, ngành đã tập trung cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu thị trường... Nhờ vậy, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. 

W-2-bai-chinh-sach-2-1.jpg
Năm 2023, sản lượng và chất lượng hầu hết các cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 115 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất. Bên cạnh đó là tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu địa phương. 

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng lúa trong năm đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10,6 nghìn ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1,0 tạ/ha (tăng 1,7%); đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn.

Sản lượng và chất lượng hầu hết các cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: Sầu riêng 1,2 triệu tấn, tăng 39%; Chôm chôm 325 nghìn tấn, tăng 3,4%; Dứa 724 nghìn tấn, tăng 2,9%; Xoài 1.015 nghìn tấn, tăng 2,1%; Nhãn 635 nghìn tấn, tăng 1,6%; Vải 370 nghìn tấn, tăng 1,2%...

Lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ giảm mạnh, chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại; liên kết sản xuất giữa các nông hộ hoặc giữa nông hộ với doanh nghiệp ngày càng được quan tâm; mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao đang dần được phổ biến, nhân rộng. Nhờ vậy sản xuất chăn nuôi được duy trì phát triển tốt, tổng đàn vật nuôi chính đều tăng. 

Sản xuất thủy sản năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu giảm trong các tháng đầu năm, giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Nhưng nhờ thời tiết thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác, nên sản xuất thủy sản tương đối ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; trong đó khai thác 3,86 triệu tấn, giảm 0,5% và nuôi trồng 5,46 triệu tấn, tăng 4,3%.

Ngành cũng tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh; tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát đạt 85 -90%. Năm 2023 diện tích rừng trồng tập trung đạt 281,8 nghìn ha, giảm 6,1% và 116,3 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 20,84 triệu m3, tăng 2,8%. 

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan đến công nghiệp chế biến và cơ giới hóa đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp.

Thái Khang và nhóm PV, BTV