Chấm dứt rời rạc, tự phát mở cơ chế mới phát triển liên kết vùngLiên kết vùng còn lỏng lẻo, tự phát

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ngoài ra, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tiểu vùng đã nhiều thay đổi; tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiểu đổi mới; một số tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng dần đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Hệ thống đô thị hình thành, phát triển…

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn; 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo...

TS. Phan Thị Song Thương, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, chia sẻ: "Đặc điểm của tiểu vùng có những lợi thế cũng như điều kiện phát triển tương đồng nhau nên việc đẩy mạnh phát triển tiểu vùng rất quan trọng trong thời gian tới.

Theo tôi, ngoài việc trao quyền cho ban điều phối vùng trong đó có tiểu vùng tham gia thì cần đẩy mạnh sự liên kết trong việc phối hợp cùng thu hút các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển những ngành, lĩnh vực mũi nhọn mang tính vùng, tiểu vùng. Thứ hai là thu hút các nhà đầu tư để tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương trong tiểu vùng. Tiếp đến là phối hợp cùng nhau để khai thác hiệu quả nhất các cơ sở hạ tầng hiện nay trên địa bàn tiểu vùng, đặc biệt là hệ thống cảng biển và càng hàng không". 

“Hiện nay, trên tiểu vùng có 3 cảng biển và 2 cảng hàng không, vị trí rất gần nhau trong khi lợi thế là hạ tầng giao thông đường bộ đã phát triển tương đối, sự kết nối giữa các địa phương trong tiểu vùng về hạ tầng đường bộ là tốt. Cho nên, chúng ta cũng cần sự phân luồng về hàng hóa cũng như hành khách phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong tiểu vùng”, bà Thương nêu ý kiến.

Việc liên kết các vùng kinh tế sẽ có được mô hình mới

Cơ chế mới cho liên kết vùng

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa, cho rằng: Khánh Hòa là một tỉnh thuộc tiểu vùng Nam Trung bộ, thời gian tới địa phương xác định phải rà soát lại tất cả những nội dung công tác liên kết đã triển khai để xem những việc gì đã làm được, những việc làm chưa được; thậm chí những việc gì cần phải loại bỏ đi vì không phù hợp với cơ chế, điều kiện cũng như bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động làm việc với các địa phương trong tiểu vùng để xác định lại, thiết kế lại những cơ chế tham mưu với cơ quan có thẩm quyền để có những cơ chế chính sách phù hợp hơn với điều kiện, bối cảnh phát triển và cơ hội phát triển mới. "Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với nhau để xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên để hợp tác liên kết", ông Ninh cho hay. 

“Tôi nghĩ rằng không cần làm quá nhiều việc, chỉ cần xác định những việc trọng tâm phù hợp với tiềm năng thế mạnh và nói như một số chuyên gia, phải phân định rõ chức năng trong việc phối hợp liên kết, tạo thành cơ hội phát triển cùng có lợi giữa các địa phương trong tiểu vùng và trong vùng nói chung để làm sao tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh và việc hợp tác này phải có lợi ích của từng địa phương cũng như lợi ích chung của tiểu vùng và vùng. Có như vậy việc hợp tác liên kết mới bảo đảm sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững”, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Ninh đánh giá: "Có rất nhiều việc cần làm để cho việc hợp tác giữa tiểu vùng Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung đi đúng hướng và thực chất, có hiệu quả hơn. Một trong những việc chúng tôi thấy mà rất cần đề xuất, đó là Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền nên tính toán một cơ chế liên kết vùng thực chất và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng là cần phải có một cơ chế quản lý có đủ thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông lưu ý: Thời gian qua vấn đề liên kết vùng được Đảng, Chính phủ, Nhà nước rất quan tâm, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy hoạt động liên kết vùng. Giai đoạn trước 2016-2020 chúng ta có rất nhiều vùng, có 6 vùng kinh tế - xã hội, có 4 vùng kinh tế trọng điểm nhưng chỉ vùng kinh tế kinh tế trọng điểm là có văn bản pháp quy, còn các vùng khác chưa có.

Đề cập đến điểm mới của cơ chế mới dự kiến áp dụng cho cả vùng kinh tế - xã hội tương tự như ĐBSCL, ông Trần Duy Đông cho biết: Trước đây chúng ta có Ban Chỉ đạo điều phối vùng quốc gia, gồm một Phó Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo. Song song Ban chỉ đạo có Hội đồng vùng, do các tỉnh thành lập, chủ tịch phân công theo chế độ luân phiên. Tuy nhiên, cơ chế này bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, chủ yếu là tự phát và mới liên kết xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch... 

“Cơ chế mới thì Chủ tịch Hội đồng vùng là một Phó Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch là một số Bộ trưởng, các Bộ trưởng được đề xuất dựa trên tiềm năng kinh tế của từng vùng”, ông Đông nói.

L.Bằng

Liên kết vùng, tiểu vùng để phát triển kinh tếHoạt động liên kết mới được thực hiện chủ yếu ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và một số lĩnh vực như du lịch, hạ tầng giao thông.