Giảm thời gian và chi phí

Ngày 3/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành”.

Báo cáo đã tập hợp ý kiến phản hồi của 3.048 doanh nghiệp đang tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics... 46 bộ ngành, cơ quan liên quan đến Cơ chế một cửa Quốc gia và lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành. 

Theo VCCI, tính đến ngày 17/10, Cơ chế một cửa Quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành, kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo chỉ tập trung vào 12 thủ tục hành chính của 5 bộ, ngành đang có tần suất được doanh nghiệp thực hiện nhiều nhất.

Cơ chế một cửa Quốc gia giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh VIMC

Báo cáo cho thấy, doanh nghiệp đánh giá thực hiện thủ tục trên cổng thông tin một cửa Quốc gia năm 2022 khó khăn hơn so với khảo sát năm 2019. Các thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đáng kể là “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế”; “Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu”; “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”...

Có 10 trong tổng số 12 thủ tục hành chính được doanh nghiệp ghi nhận giảm thời gian, với số giờ giảm được từ 5-25 giờ, trong đó giảm nhiều nhất là thủ tục “Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” với 25 giờ.

Ngược lại, có 2 thủ tục tăng thêm giờ, đó là “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” tăng thêm 84 giờ và thủ tục “Công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” tăng thêm 25 giờ. 

Doanh nghiệp ghi nhận, có 10 trong số 12 thủ tục giảm chi phí, dao động từ 148.000-3.845.000 đồng. Ngược lại, có 2 thủ tục tăng thêm chi phí là “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng” tăng 408.000 đồng và “Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” tăng 93.000 đồng.

Tiếp tục cải cách

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực về những thay đổi, giữa thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa Quốc gia và phương thức truyền thống cũng giảm so với năm 2019. Cụ thể, đánh giá về sự minh bạch trong theo dõi tiến độ giải quyết, giảm nhiều nhất tới 14% (từ 82% năm 2019 xuống còn 68% năm 2022). Tiếp đến là đánh giá về biểu mẫu tờ khai rõ ràng, giảm 12%, giảm lượng giấy tờ phải nộp, giảm 8% và giải đáp thắc mắc giảm 8%.

Mức độ thuận lợi về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa được các doanh nghiệp đánh giá ở mức trung bình, khi mà khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong tuân thủ các thủ tục này vẫn khá phổ biến.

Với mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, Cơ chế một cửa Quốc gia vẫn còn nhiều dư địa để cải cách. Ảnh Hoàng Hà.

Có 58,92% doanh nghiệp cho hay họ gặp phải ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục. Nội dung kiểm tra chồng chéo trùng lặp là khó khăn thường gặp nhất, với 39% lượt doanh nghiệp lựa chọn. Thái độ không đúng mực của công chức là lý do gây trở ngại cho 12% doanh nghiệp khi tuân thủ...

Tình trạng trả chi phí ngoài quy định cũng đáng quan ngại. Chỉ có 59,1% doanh nghiệp cho biết không trả chi phí ngoài quy định, 35,8% doanh nghiệp không muốn cung cấp thông tin và 5,1% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi này.

Doanh nghiệp thường xuyên phải trả chi phí không chính thức là vì lo bị "phân biệt đối xử", như kéo dài thời gian làm thủ tục; bị gây khó cho những lần làm thủ tục sau; yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Cơ chế một cửa Quốc gia của Việt Nam thành lập với mục đích cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan Nhà nước, trên một nền tảng duy nhất, qua đó tăng sự minh bạch, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiêm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn nhiều dư địa để cải cách.