Vợ chồng tôi làm viên chức nhà nước, có hai người con theo học các trường công lập, cũng ở lớp "chọn 2", "chọn 3" của trường. Chúng tôi đã thống nhất quan điểm nuôi dạy con theo khả năng, không ép buộc con học ngày, học đêm. Tuy nhiên, con phải biết cố gắng, chăm chỉ và  có ý thức tự giác học tập.

Nhờ vậy, con gái lớn đi học với tâm trạng khá thoải mái. Trong mấy môn Toán, Văn, Anh, thấy chưa ổn môn nào, gia đình sẽ bàn bạc để đi học thêm. Bởi có thái độ nghiêm túc lại không bị áp lực, thành tích của con rất khá, luôn thuộc dạng tốp 10 ở lớp, cũng tham gia đội tuyển học sinh giỏi văn của trường. Tôi chắc mẩm nếu cứ theo đà này, cùng với sự chăm chỉ học thêm tuần 1-2 buổi, thì việc thi đỗ trường cấp 3 mong muốn hay thi đại học cũng không quá khó khăn.

Mấy ngày qua, khi điểm chuẩn xét tuyển đại học được công bố, con cái đồng nghiệp xung quanh nhiều cháu điểm cao nhưng trượt, bàn tán xôn xao,  tôi mới xem kĩ thì xây xẩm cả mặt mày. Gì mà thí sinh đạt 9 điểm/môn cũng không có cơ hội trúng tuyển.

Mấy ngành "hot" của trường "đỉnh" như Bách khoa, Sư phạm, Y khoa thì không nói làm gì, xưa nay thi cử kiểu gì cũng là "cửa vào" của học sinh hàng cao thủ. Nhưng có những ngành như khối C của Trường Đại học Văn hoá cũng cần 28,9 điểm, tương đương 9,63 điểm/môn mới đỗ. Ngành thấp nhất thí sinh cũng phải đạt 7,95 điểm/môn...

Tôi càng tìm hiểu, càng thấy lo lắng khi điểm chuẩn các trường đại học tăng mạnh so với những năm trước đây. Mặc dù đã có lý giải rằng do lượng thí sinh nhiều hơn, cách xét tuyển phong phú đa dạng, chứ không chỉ một kiểu thi truyền thống như thế hệ của chúng tôi ngày trước...nhưng nhiều cháu vẫn trượt chỉ vì thiếu vài phết phẩy. 

Công bằng mà nói, con cái một số anh chị đồng nghiệp đang đại học hoặc năm nay mới trúng tuyển, đã "chốt hạ an toàn" bằng các điểm thi như IELTS, đánh giá năng lực, hay xét tuyển học bạ. Thậm chí, có cháu còn được học bổng trúng tuyển sớm trường này, trường nọ với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm học phí. Nhưng để "chốt" được một ngành ưng ý, phù hợp, nhiều nhà vẫn còn cân nhắc và lựa chọn phương án xét tuyển kết hợp cả thi THPT quốc gia, mà đến phút chót vẫn không đạt các nguyện vọng 1, 2...

Nhìn mức điểm xét tuyển bằng IELTS mỗi năm một tăng, cách xét tuyển kết hợp giữa các kiểu thi cũng tăng điểm, giờ đến kết quả "thuần" thi mỗi kỳ thi THPT quốc gia vọt cả lên chót vót, tôi không khỏi hoang mang. Đặc biệt, khi đọc chia sẻ của một người mẹ có con gái khóc tức tưởi vì đạt 27 điểm/3 môn vẫn trượt Học viện Ngân hàng.

Dù hiện tại con tôi học tốt, nhưng với mức điểm thi gần như phải tuyệt đối mới có khả năng đỗ đại học, chắc vợ chồng chúng tôi phải buộc tính toán lại. Nhưng dự toán thế nào cho đủ? Xét tuyển IELTS vài năm nữa sẽ đẩy lên mấy chấm, xét tuyển SAT năm nay mức điểm cũng đã tăng, thi đánh giá năng lực nhiều cháu "né"... Đã có phụ huynh trong nhóm lớp nói đùa: "Đến thời con mình, ngoài điểm cao và các loại chứng chỉ quốc tế, chắc người ta phải xét thêm tiêu chí phụ như giải thưởng thể thao, đàn, vẽ, hay...nữ công gia chánh".

Ở vị trí phụ huynh như bao người làm cha làm mẹ khác, cũng là người từng trải qua nhiều kì thi quan trọng, tôi hiểu vai trò của việc học đối với con trẻ, càng không muốn học hành là thứ gây ám ảnh suốt cuộc đời đối với con. Nhưng với mức điểm chuẩn cao chót vót như hiện nay, tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt, có lẽ những khoản tiền chi ra để con trang bị điểm số chắc chắn không nhỏ chút nào...

Thuỳ Chi (Hà Nội)