Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), kể về một bệnh nhân ông mới khám gần đây.

Thực tế các trường hợp nạo phá thai khoảng 10 lần ở Việt Nam không phải quá hiếm. Đáng nói, nhiều trường hợp sau khi phá thai, vẫn thấy kinh nguyệt ra bình thường, chỉ ít hơn trước nên chủ quan và cho rằng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Sau khi kết hôn đã lâu không có con, họ đi khám mới phát hiện nguyên nhân là do nhiều lần phá thai trong quá khứ.

Theo phân tích của bác sĩ này, niêm mạc tử cung có thể ví như lớp đất màu mỡ để nuôi dưỡng và cho thai nhi làm tổ. Sau mỗi lần phá thai, lớp đất này lại bị nạo dần đi, khiến thai rất khó làm tổ nên dễ sảy thai.

Những người phá thai nhiều lần, bị vô sinh, khi đi khám bác sĩ phát hiện niêm mạc tử cung của họ đã bị "bào mòn". Đặc biệt là trường hợp hút thai mạnh khiến niêm mạc tử cung bị tổn thương, tạo sẹo gây dính mặt tử cung. Điều này khiến tử cung không đủ diện tích, thể tích để mang thai. 

"Bình thường tử cung to bằng quả quýt nhưng khi cuối thai kỳ, tử cung phải to bằng quả dưa hấu. Nếu tử cung bị dính lại với nhau, sẽ không thể giãn nở, khiến người phụ nữ đó không mang thai được hoặc nếu có thai rất nhiều trường hợp sảy thai, đẻ non", bác sĩ phân tích.

Vị bác sĩ cho biết đặc điểm chung của những trường hợp nạo hút thai nhiều lần là họ bắt đầu quan hệ tình dục ở độ tuổi khá trẻ. Có những trường hợp phá thai năm 16 tuổi, gần 10 năm sau mới lập gia đình lại bị hiếm muộn mới nhận ra hậu quả của việc nạo phá thai khi còn trẻ.

Quan hệ tình dục sớm cũng khiến không ít trẻ mắc bệnh lây qua đường tình dục. Bác sĩ Phan Chí Thành gần đây khám cho nữ sinh lớp 12 từng làm "chuyện ấy" từ khi mới lớp 8. Cô và "đối tác" chưa dùng sử dụng bao cao su mà thực hiện theo cách truyền thống là xuất tinh ngoài với niềm tin "anh ấy nói không bệnh gì và 'yêu' chỉ mình em". Kết quả thăm khám, nữ sinh viêm âm đạo nặng và mắc nấm candida.

Ngoài mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, việc "yêu" sớm và không dùng biện pháp tránh thai còn khiến nhiều trường hợp, nhất là trẻ vị thành niên, phải phá thai. 

"Việc nạo hút thai tùy tiện nhiều lần sẽ phá hủy hoàn toàn hệ thống tử cung, vòi trứng của các em, khiến cơ hội làm mẹ sau này bị mất đi", bác sĩ Thành nói.

Theo báo cáo mới nhất công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), giai đoạn 2019-2021, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai. Số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chưa có xu hướng giảm, khoảng 2,5-3% tổng số phụ nữ mang thai.

Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên thực hiện tại cơ sở y tế công. Số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Đó là bởi ở Việt Nam, hơn 40% ca phá thai được thực hiện ở cơ sở y tế tư nhân.