- Theo GS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - thì sẽ có nhiều thay đổi trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với bộ môn này.
Trẻ tiểu học sẽ học Lịch sử qua các câu chuyện
Ông có thể cho biết môn Lịch sử trong Chương trình phổ thông mới sẽ có những gì khác so với trước đây?
- Sẽ có sự thay đổi triết lý, cấu trúc, nội dung và cả cách tổ chức dạy và học.
Về triết lý giáo dục lịch sử, sẽ có những năng lực đặc thù được hình thành cho học sinh.
GS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQG Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới) |
Thứ nhất là năng lực nhận diện, hiểu và sử dụng sử liệu. Đây là năng lực cốt lõi nhất. Trước đây, chúng ta không coi trọng điều này, dẫn đến chuyện trong xã hội có những thông tin thuần túy là huyền thoại, nhưng người ta lại nhầm, cho rằng đó là lịch sử.
Thứ hai là năng lực tái hiện quá khứ. Ngoài liên hệ lịch đại có trước có sau thì chú ý đến mối liên hệ, so sánh đồng đại là trong cùng một khoảng thời gian, học sinh được học cách so sánh xem Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào, ở trình độ khác biệt ra sao.
Thứ ba là phân tích, giải thích và đánh giá lịch sử. Nhưng đánh giá thế nào đi nữa cũng phải hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Hướng tới học về chiến tranh nhưng để bảo vệ hòa bình, tránh các cuộc xung đột và chiến tranh trong tương lai. Tức là học lịch sử để hòa giải chứ không phải để tạo ra những hận thù, xung đột mới.
Tiếp đó là năng lực vận dụng những bài học lịch sử, như những quy luật hay kinh nghiệm cụ thể. Kinh nghiệm không chỉ học được trong những thành tựu, chiến công mà có thể rút ra từ những sai lầm, thất bại.
Để đạt được những điều đó, Chương trình sẽ đổi mới cách tổ chức kiến thức, tổ chức giáo dục lịch sử như thế nào, thưa ông?
- Chương trình mới được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính, kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm của chương trình hiện nay.
Ở cấp Tiểu học, chưa tập trung vào trang bị tri thức lịch sử mà mục tiêu cao nhất là giúp học sinh có được tình yêu với môn học và hình thành, phát triển ký ức lịch sử. Đây là khác biệt lớn so với chương trình hiện hành.
Ví dụ, khi dạy về thời đại Hùng Vương, có thể hướng dẫn học sinh kể chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Thánh Gióng..., kết hợp với việc tìm hiểu về trống đồng, lưỡi cày đồng, mũi tên đồng…. Qua đó, học sinh nắm được cái lõi lịch sử về thời đại Hùng Vương tổ tiên ta trồng lúa, đoàn kết đánh giặc như thế nào.
Hay khi dạy về Cách mạng tháng Tám năm 1945, học sinh sẽ được kể chuyện, tìm hiểu về anh Kim Đồng làm liên lạc, các di tích Pác Bó, Tân Trào. Học sinh sẽ biết ở giai đoạn này Bác Hồ lãnh đạo cả nước, trong đó cả những trẻ em như Kim Đồng cùng đóng góp công sức làm cách mạng giải phóng đất nước...
Ở cấp THCS, toàn bộ Chương trình dành để trang bị nền tảng tri thức thông sử, tức là giúp học sinh có được tri thức cơ bản, cốt lõi, hệ thống nhất. Trên cơ sở đó, hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cơ bản, cốt lõi.
Chúng tôi cố gắng sắp xếp những khối kiến thức từ thế giới trước rồi mới đến khu vực rồi mới đến Việt Nam để các em có cái nhìn từ đầu đến cuối, nhưng vẫn có thể so sánh.
Ở cấp THPT, Chương trình không bố trí dạy từ đầu đến cuối nữa mà được xây dựng thành chủ đề và một số chuyên đề, giúp học sinh có kiến thức mở rộng và sâu sắc hơn. Mục đích để sau khi học xong phổ thông, dù không đi theo ngành khoa học xã hội hoặc khoa học lịch sử mà theo các ngành khác, nhưng nếu cần, các em có được năng lực tìm hiểu lịch sử suốt đời.
Ví dụ, có chủ đề về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Chúng ta sẽ trình bày theo hệ thống, từ những kháng chiến đầu tiên chống quân xâm lược phương Bắc của người Việt cho đến những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, và cả cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông hiện nay...
Bên cạnh đó có cả những chủ đề định hướng ứng dụng, như sử học với bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, với phát triển du lịch…
Từ trước đến nay, chúng ta chưa dạy học sinh biết học lịch sử xong để làm gì, trong khi thực tế có rất nhiều ngành nghề “hot” mà sau này các em có thể theo đuổi dựa trên cảm hứng và tri thức lịch sử.
Đó là những điều mà chúng tôi rất kỳ vọng. Nhưng làm được hay không còn phụ thuộc đội ngũ các thầy cô đứng lớp và sự hỗ trợ của toàn xã hội.
Có ý kiến cho rằng sức hấp dẫn và vai trò giáo dục lịch sử không thể nằm ở các câu chuyện. Nếu dạy lịch sử theo những câu chuyện huyền thoại, hư cấu thì dễ dẫn đến “gây mê”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nếu dạy lịch sử mà cứ huyên thuyên vào các câu chuyện ấy thì quả là sai lầm và dẫn đến hậu quả “gây mê” thật! Nhưng câu chuyện ở đây chỉ là phương tiện với đối tượng học sinh tiểu học 9-11 tuổi, mà vốn trước đây chúng ta "nhồi nhét" vào đầu các con những kiến thức khô khan, và thực tế là bị bật ra. Hậu quả là các con sợ học sử, thậm chí ghét sử ngay từ đầu. Trên nền những câu chuyện đó, chúng ta hướng dẫn để các con nắm được những tri thức cốt lõi, nhưng hết sức sơ giản thôi.
Cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử
Lịch sử và Địa lý sẽ được tích hợp như thế nào trong chương trình mới, thưa ông?
- Ở Tiểu học, môn Lịch sử và Địa lý được tổ chức dạy và học từ lớp 4. Sự tích hợp sẽ theo logic kết nối hai loại hình không gian, của Địa lý là địa phương, đất nước em và thế giới; của Lịch sử là không gian gia đình - cộng đồng - dân tộc - thế giới.
Ở THCS, môn Lịch sử và Địa lý là môn học tích hợp, nhưng ở mức độ tương đối thấp, có thể gọi là phối hợp giữa hai phân môn khá độc lập. Chỉ có một số chủ đề tích hợp như: Biển Đông gồm kiến thức tổng hợp về nhiều vấn đề, như địa lý biển, kinh tế biển, lãnh hải, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Ở THPT, Lịch sử là môn độc lập nhưng là môn lựa chọn để phù hợp với việc phân hóa, hướng nghiệp cho học sinh.
Vậy theo ông, sẽ phải tổ chức dạy và học như thế nào?
- Giải pháp trước mắt vẫn phải 2 giáo viên dạy 1 môn, thậm chí môn Khoa học tự nhiên phải 3 người dạy. Rồi mỗi năm sẽ phân công một giáo viên phụ trách, ví như lớp 6 là giáo viên Lịch sử, lớp 7 là giáo viên Địa lý, để bàn với giáo viên phân môn kia rồi phân công dạy, kiểm tra, đánh giá…
Điểm kiểm tra trước mắt vẫn phải lấy trung bình cộng. Dần dần sẽ có giải pháp tốt hơn khi các điều kiện sẵn sàng.
Trong giới nghiên cứu có đề cập đến khái niệm "học phiệt trong học thuật". Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng "học phiệt" trong xây dựng chương trình, viết SGK của Việt Nam?
- Học phiệt là một cái tệ rất lớn, phản khoa học nhưng vẫn tồn tại ngay trong giới khoa học. Đấy là hiện tượng một số người ỷ vào cái vị thế của mình, tự cho mình nắm giữ “độc quyền” về tư duy, về chân lý, rồi đưa ra phán quyết. Cho nên học phiệt là không đúng.
Chuyện học phiệt hoàn toàn khác với việc tôn vinh những nhà khoa học, những bậc thầy lớn đích thực.
Những "cây đa, cây đề" không tự nhiên mà thành được vậy. Thực tế họ là những nhà khoa học đích thực, đừng thấy họ “cây đa, cây đề” mà vội quy kết đó là học phiệt. Vấn đề cần cơ chế như thế nào để bài trừ học phiệt.
Tôi là tác giả, viết ra chương trình và khi đưa lên mạng thì phải chịu trách nhiệm về chương trình đó và quyền góp ý, bình luận là mở cho tất cả mọi người. Và còn có hội đồng thẩm định.
Hiện nay, Bộ trưởng GD-ĐT cũng yêu cầu và đòi hỏi với chương trình này thời điểm công khai, nhận góp ý đủ 45 ngày và có thể tiếp tục kéo dài thời gian này. Sau đó phải có hội nghị bàn thảo rõ tiếp thu chỗ nào, điểm nào không tiếp thu thì phải giải trình và có quyền bảo lưu. Tức là hoàn toàn khoa học, trung thực và có tính trách nhiệm rất cao.
Cho nên ở đây tôi cho rằng hoàn toàn không có chuyện học phiệt hay tệ hơn là lợi ích nhóm chi phối. Nếu vậy, bản thân tôi cũng phản đối và từ chức ngay và tôi tin những thành viên khác cũng sẽ như vậy.
Ảnh: Thanh Hùng |
Có nghĩa là ông tự tin không có hiện tượng đó trong quá trình xây dựng Chương trình phổ thông mới?
- Tôi nghĩ không có hiện tượng học phiệt trong quá trình xây dựng Chương trình này. Nhưng nếu không cẩn thận thì sẽ có những cái thiếu nghiêm túc, lạm dụng ở trong đó.
Nhân dân, chuyên gia góp ý, cái nào đúng mình phải tiếp thu, biết ơn. Cái nào không tiếp thu được cũng phải báo cáo lại. Cho nên không có chuyện một người dùng quan điểm chuyên môn của mình để áp chế lên người khác, ép phải thực hiện.
Những người được phân công xây dựng Chương trình như chúng tôi rất ý thức rằng đây gần như là cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử trong nhà trường. Nếu lần này làm thất bại, gần như không có cơ hội khác nữa.
Từ người học cho đến người dạy bức xúc lâu lắm rồi, muốn có một sự đổi mới thực sự căn bản, toàn diện.
Công việc này quá khó và nặng nề. Đây là công việc chung chứ không phải sáng kiến riêng của chúng tôi. Nếu chỉ 4 người thì sức đâu và giỏi mấy cũng không làm được, mà hãy hình dung, chúng tôi chỉ là những người thợ, lắp ghép lại những ý tưởng của cả toàn bộ giới sử học và cả những thầy cô đang đứng lớp.
Ông có tự tin Chương trình mới đủ sức hấp dẫn học sinh không?
- Cốt lõi của thành công hay không chính là những thầy cô với vai trò cầu nối. Ngoài ra, còn nhiều cái cần phải thay đổi.
Phải đảm bảo nguyên tắc là học gì thì thi nấy, chứ dạy và học thế này nhưng lại thi kiểu khác thì phản tác dụng. Và cái phản tác dụng lớn nhất là nó hình thành hội chứng môn chính - môn phụ.
Như vậy, tự dưng các em quay lưng lại với các môn đó, mà sai lầm là do người lớn chúng ta.
Ngoài ra, nếu đổi mới, các thầy cô phải dốc hết tâm sức vào thì mới mang lại những bài giảng đúng mục đích mà những người xây dựng chương trình chúng tôi kỳ vọng.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hùng thực hiện
Chương trình môn Toán sau năm 2017 sẽ đổi mới thế nào?
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán cho biết triết lý xây dựng chương trình giáo dục Toán học mới ở phổ thông thể hiện ở 4 yếu tố: tinh giảm, thiết thực, hiện đại và phải sáng tạo.
Chương trình môn Ngữ văn mới: Đổi mới nhưng không xa lạ
Môn Ngữ văn trong chương trình mới sẽ đổi mới toàn diện từ mục tiêu, nội dung, cách xây dựng chương trình nhưng vẫn không xa lạ với giáo viên và học sinh.