Trong một bước đi chắc chắn sẽ khiến những người mua P30 Pro hay Mate 20 Pro ngậm ngùi, Google đã chính thức rút giấy phép sử dụng Android của Huawei. Đây là bước leo thang tiếp theo trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi được yêu cầu bình luận về vấn đề này, người phát ngôn viên của Google chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi xem xét và tuân thủ tất cả quy định".
Sau khi bước đi này được thực hiện, Huawei sẽ không còn được sử dụng Android-của-Google nữa. Từ nay trở đi, các thiết bị Huawei sẽ dần chuyển sang một bản Android do chính hãng này xây dựng trên dự án mã nguồn mở AOSP (Android Open Source Project), tức là toàn bộ những mã nguồn mà Google chịu cho phép bên thứ 3 dùng miễn phí.
Ví dụ đau lòng
Chính Nokia X là thứ đã giết chết giấc mơ "Android trên Nokia" - chỉ vì Nokia tự xây Android chứ không dùng Google.
Tại sao đó lại là một tin xấu với người dùng Huawei? Đơn giản thôi, bạn chỉ cần nhìn vào những chiếc Fire Tablet của Amazon, máy chơi game Ouya hay gần gũi nhất là Nokia X (chiếc Android đầu tiên của Nokia, phát hành năm 2014 trước khi bị bán cho Microsoft). Tất cả những chiếc máy này đều có trải nghiệm vô cùng nặng nề và thiếu tính năng.
Ví dụ, năm 2014, nếu chuyển từ một thiết bị Android khác sang Nokia X, bạn sẽ phải đồng bộ liên lạc qua định dạng vCard chứ thay vì một bước đăng nhập Google. Tệ hại hơn, Nokia khi đó còn chưa phát triển để danh bạ nhận mã quốc gia (+84 cho Việt Nam chẳng hạn), và nếu bạn lưu ai đó với những con số này, máy sẽ hiện số thay vì hiện tên.
Fire OS thì sao? Đến bây giờ hệ điều hành được Amazon phát triển riêng cho tablet giá rẻ vẫn chưa hỗ trợ giao thức email Exchange. Tức là, gần như chắc chắn bạn sẽ không thể sử dụng ứng dụng mail mặc định cho email của công ty, vốn 99% sử dụng Exchange.
Với Android không-của-Google, trải nghiệm phần mềm luôn là điểm yếu.
Hiển nhiên, bạn có thể sử dụng ứng dụng mail khác, như Outlook hay Gmail. Đáng tiếc thay, các chợ ứng dụng bên thứ 3 (không phải của Google) chưa chắc đã có các ứng dụng chính chủ này. Ví dụ, chợ ứng dụng của Amazon có rất nhiều ứng dụng tương thích với Google Docs và Google Photos, nhưng chẳng có app nào trong số này là của Google. Instagram cũng vài năm mới đặt chân lên Fire OS, buộc người dùng phải dùng các ứng dụng bên thứ 3. Dĩ nhiên, người dùng "sành" có thể sideload app từ Google, nhưng đi kèm với đó luôn là những rủi ro bảo mật nhất định – những rủi ro mà Android chính chủ có thể tránh được.
Hay đơn cử là Microsoft, gã khổng lồ biết cách bỏ cuộc khi không thấy lợi lộc. Microsoft đã từng tiếp quản toàn bộ nền tảng X Platform từ Nokia, tức là thay thế các dịch vụ của Google bằng Microsoft. Microsoft cũng đã hợp tác với CyanoGen, phiên bản Android "mở" xây dựng từ AOSP. Tất cả những nỗ lực này sau đó đều bị bỏ ngỏ, mặc dù về lý thuyết chúng cho phép Microsoft trở lại mảnh đất di động bằng Android. Lý do đơn giản là bởi, chưa cần bàn tới lợi ích, xây dựng một bản Android đầy đủ tương đương với Google sẽ khiến Microsoft tốn rất nhiều công sức!
Tương lai u ám
Chỉ còn hy vọng Mỹ và Trung Quốc làm lành...
Khối lượng công việc mà Huawei phải tiếp quản cũng sẽ nhiều như vậy: có những ứng dụng AOSP đã được Google ngưng phát triển từ 4, 5 năm về trước, thay vào đó chuyển sang cung cấp qua Google Play để nắm quyền kiểm soát. Ví dụ, ứng dụng tìm kiếm trên AOSP chỉ cung cấp tìm kiếm nội dung máy và tìm kiếm qua mạng. Bản Google Play hiện tại đã hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói, tìm kiếm dạng câu hỏi và cả trợ lý ảo... Huawei đứng trước 2 lựa chọn - cũng như những gì Nokia và Amazon đã làm
Kém may mắn nhất là những người vừa mua những chiếc smartphone cao cấp của Huawei: từ nay, họ sẽ không được cập nhật lên phiên bản Android mới nữa! Nếu có bản cập nhật trong tương lai, chắc chắn đó sẽ là một phiên bản dở tệ hơn rất nhiều so với bản Android hiện tại đang có sẵn trên máy – bởi đó sẽ là bản Android mà Huawei phải tự xây dựng. Tiềm lực Huawei lớn thật đấy, nhưng liệu có lớn được bằng Amazon hay Microsoft?