Với hơn 3 tỷ lít bia được tiêu thụ mỗi năm ở Việt Nam, bia trở thành loại đồ uống có cồn khá phổ biến từ những hàng quán bình dân cho đến những quán bar hay các nhà hàng sang trọng. Nhưng ngày nay, ngoài thưởng thức những cốc bia mát lạnh, người ta bắt đầu chú ý đến thương hiệu bia. Chính vì thế, bia ngoại nhập bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Việt khiến nhiều người tiêu dùng coi việc xài bia ngoại là việc thể hiện đẳng cấp "chịu chơi".
Bia ngoại lấn sân
Đa phần do quan niệm người Việt luôn coi hàng ngoại bao giờ cũng tốt hơn hàng nội, nên không chỉ riêng gì bia ngoại mà những mặt hàng ngoại khác cũng rất được ưa chuộng. Có cầu thì sẽ có cung, nên chính vì vậy, khi những "bụng bia" đã được uống "tẹt ga", giờ bắt đầu chuyển sang giai đoạn... thưởng thức. Bởi vậy, không khó để có thể tìm thấy những loại bia ngoại được bày bán trong khắp các siêu thị hay các đại lý.
Khảo sát thị trường cho thấy tại các hệ thống siêu thị và đại lý tính riêng ở TP.HCM đã có khoảng hơn 20 loại bia nhập khẩu của nhiều hãng khác nhau. Các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Coopmart, Maximax còn dành riêng nhiều hàng kệ cho những loại bia nhập khẩu này. Chúng còn được trưng bày khá bắt mắt với đủ các nhãn hiệu như Asahi của Nhật, Singha của Thái, Budweiser của Mỹ, Corona của Mexico, Royal Dutch của Hà Lan…
Bia ngoại đang tràn ngập ở thị trường Việt Nam |
Một nhân viên của Big C cho hay, trên thực tế thì bia sản xuất trong nước vẫn được tiêu thụ nhiều hơn nhưng thị phần bia ngoại cũng không kém cạnh và đang gia tăng số lượng rất nhanh. Tuy bia nhập khẩu phải chịu thuế và phí cao nên giá bán luôn đắt hơn bia nội nhưng do sản phẩm cạnh tranh và xu hướng dùng hàng ngoại nên vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ những người có mức thu nhập cao đến những người có mức thu nhập trung bình nếu có điều kiện là cũng chọn bia ngoại để thưởng thức.
Người Việt không tiếc tiền cho bia ngoại
Tuy rằng những loại bia ngoại có giá dao động khá cao từ 20.000 – 40.000 đồng/lon hoặc chai, cao hơn so với các loại bia được sản xuất trong nước gấp nhiều lần do thuế nhập khẩu và các chi phí khác. Nhưng dường như điều đó cũng không phải là một trở ngại lớn với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để chi cho bia ngoại nhập.
Thêm vào đó là sự tích cực PR quảng cáo, marketing của những loại bia ngoại nhập này trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội hay các diễn đàn... cũng là điều làm tăng sức ảnh hưởng của bia ngoại.
Bất cứ nơi đâu từ những quán cóc ven đường cho đến các quán bar hay nhà hàng sang trọng thực khách đều có thể bắt gặp hình ảnh của bia ngoại, vì giờ đây chúng đã trở nên quá phổ biến. Không chỉ là ở các tầng lớp có thu nhập cao mà ngay cả những người có thu nhập trung bình cũng rất chuộng những loại bia này. Tuy rằng giá của chúng cao gấp 2-4 lần so với bia nội nhưng chúng vẫn được ưu ái và việc uống bia ngoại dường như không chỉ là xu hướng mà còn là sự thể hiện "độ sành" chịu chơi.
Phải chăng uống bia ngoại mới là đẳng cấp? |
Ngay cả Heineken, cho dù sản xuất trong nước với lượng lớn nhưng vẫn có rất nhiều loại của thương hiệu này được nhập về như bom 5 lít, hay sản phẩm sản xuất ở Pháp, Hà Lan… cũng rất được ưa chuộng.
Bia ngoại liệu có ngon hơn, tốt hơn bia nội địa?
Thông thường thì giá cả của một sản phẩm cao hay thấp sẽ dựa vào những tiêu chí như chất lượng, mẫu mã, lợi ích và cả thương hiệu. Nhưng không phải tất cả cái gì có giá cao cũng đều là hàng tốt và ngay cả bia cũng vậy.
Có rất nhiều loại bia nhập khẩu được gắn mác mặt hàng cao cấp nhưng chúng lại có giá nhập khẩu rất thấp. Đơn cử chính là bia Corona được bán rất phổ biến ở các siêu thị, đại lý, các nhà hàng và quán bar với mức giá trung bình khoảng 34.000/chai thậm chí có nơi còn cao hơn gấp đôi, gấp ba nhưng giá nhập khẩu cũng chỉ có 7.700 đồng /chai. Nhiều loại bia ngoại khác có giá nhập khẩu cũng chỉ tương đương bia nội thậm chí là rẻ hơn. Vậy liệu có phải cứ là bia ngoại nhập thì sẽ ngon hơn bia nội hay không?.
Theo như một cuộc khảo sát bí mật tên gọi “Blind test - nhắm mắt chấm bia” do tạp chí du lịch Việt Nam CityPassGuide tổ chức đã công bố kết quả cho thấy bia 333 được đánh giá là ngon nhất, trong khi đó Heineken chỉ xếp thứ 7. Dù là bia ngoại hay bia nhập trên thực tế nếu uống nhiều cũng có hại cho sức khỏe như nhau. Nhưng có lẽ Heineken cũng như nhiều hãng bia nước ngoài khác giỏi PR và marketing hơn, trong khi bia Việt lại mang tính chất bình dân. Một phần cũng bởi bia Việt chỗ nào cũng bán, trong khi bia ngoại ban đầu xuất hiện dưới danh nghĩa "hàng xách tay" nên tự dưng thấy quý và hiếm. Rồi khi khách đến nhà chơi, quý hoá lắm mới đem bia ngoại ra mời nhau cho nó cao sang, trọng thị... Cứ như vậy khiến việc bia ngoại tự dưng được coi trọng, "ngồi chiếu trên" so với bia nội từ lúc nào chẳng hay. Thậm chí, hương vị không khác nhau là bao nhưng đồ đắt tiền, từ "bển về" tự dưng tác động tâm lý khiến người ta thấy: Nó ngon hơn thật!