Những thông tin về việc bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong việc bình xét thi đua được nhiều giáo viên quan tâm. Báo Vietnamnet xin giới thiệu bài viết của độc giả Tùng Sơn, một giáo viên tiểu học, về vấn đề này.

Tại buổi tiếp xúc với cán bộ quản lý giáo dục ở Quy Nhơn, Bình Định ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong việc bình xét thi đua giáo viên.

Ngày 27/7 mới đây, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 88 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2015 về đánh giá công chức, viên chức hàng năm. 

Hai sự việc này khiến nhiều giáo viên cho rằng rằng từ năm học 2017-2018 trở đi, giáo viên không cần sáng kiến trong bình xét thi đua. 

Sự thực là chỉ bỏ tiêu chí thi đua này khi đánh giá ở hạng mục "hoàn thành nhiệm vụ".

Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn phải có sáng kiến

Giáo viên cũng là viên chức và cũng phải tác nghiệp theo Luật viên chức. Luật viên chức quy định các cơ quan quản lý viên chức phải tổ chức đánh giá và xếp loại viên chức hàng năm. Theo Điều 39 Luật viên chức số 58/2010, việc đánh giá viên chức cũng là để bố trí công việc, khen thưởng, kỉ luật và thực hiện chính sách đối với viên chức.

{keywords}
Luật Thi đua khen thưởng quy định Chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nhân vật không liên quan tới bài viết. Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trước đây, theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, vấn đề sáng kiến là điều kiện buộc phải có cho việc đánh giá và xếp loại viên chức. Cụ thể, theo các Điều 25, Điều 26 và Điều 27, viên chức muốn được xếp một trong 3 loại Hoàn thành nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều phải thoả mãn Điểm đ. của Điều 25 là: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Nay, Nghị định 88/2017/CP-NĐ vừa ban hành, chỉ sửa đổi các Điều 26, 27 của Nghị định 56/2015, cụ thể là xếp loại viên chức ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức Hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả...” nữa.

Như vậy, theo Nghị định 88/2017, viên chức muốn được xếp loại mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn phải có sáng kiến. 

Và như vậy, thiếu sáng kiến thì sẽ không đạt viên chức xuất sắc, không đạt viên chức xuất sắc thì làm sao được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Bởi vì, Luật Thi đua khen thưởng quy định Chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến.

Điều 23, Luật Thi đua khen thưởng số 15/2003 của Quốc hội về thi đua, khen thưởng quy định: “Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau: 1. Đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu "Lao động tiên tiến" hoặc "Chiến sĩ tiên tiến"; 2. Có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động”.

Luật Thi đua khen thưởng số 39/2013 có sửa đổi Khoản 2 Điều 23 của Luật số 15/2003 cho cụ thể hơn như sau: “Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng...”.

Như vậy, theo Khoản 2 Điều 23 Luật này thì các cá nhân muốn được công nhận danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên đều phải có sáng kiến hoặc tương đương.

Dưới Luật thi đua khen thưởng là hàng loạt các văn bản như Nghị định 42/2010/NĐ-CP, Nghị định 39/2012/NĐ-CP, Nghị định 65/2014/NĐ-CP, Thông tư 07/2014/TT-BNV. Tất cả các văn bản này đều yêu cầu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên phải có sáng kiến. 

{keywords}

Muốn bỏ tiêu chuẩn sáng kiến trong thi đua giáo viên không những phải sửa Luật Thi đua, khen thưởng mà còn phải sửa cả Nghị định 56/2015 của Chính phủ về đánh giá viên chức (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Bộ GD-ĐT cũng có một thông tư riêng về thi đua khen thưởng là Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT. Và đương nhiên, thông tư này không thể trái luật là bỏ sáng kiến đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp.

Về mức độ sáng kiến, Luật số 39 và Nghị định 65 quy định là cấp cơ sở. Với ngành giáo dục và với giáo dục phổ thông, hội đồng khoa học cấp cơ sở ở đây được hiểu là tương đương cấp huyện.

Có bỏ được sáng kiến đối với thi đua của giáo viên không?

Muốn bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong thi đua giáo viên thì phải sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng do Quốc hội ban hành. Theo Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, mỗi năm Quốc hội họp 2 lần. Năm 2017, Quốc hội đã họp lần thứ nhất vào đầu tháng 6 vừa qua và không sửa Luật thi đua, khen thưởng. Trong khi đó, tháng 9/2017 ngành giáo dục bước vào năm học mới, và giáo viên đã phải đăng kí danh hiệu thi đua cá nhân. 

Không lẽ khi đó Bộ GD-ĐT lại ban hành một thông tư hay công văn mới về thi đua khen thưởng để bỏ quy định về sáng kiến trong Luật thi đua, khen thưởng? Điều này không thể xảy ra, vì đó là hành vi bị nghiêm cấm trong Khoản 1 điều 14 Luật số 80/2015 của Quốc hội về Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Ban hành văn bản trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Mặt khác, theo các quy định về đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học phổ thông cũng có tiêu chí liên quan ít nhiều tới sáng kiến. 

Vậy thì có bỏ được sáng kiến khi xét thi đua giáo viên không? Chắc là hiện tại thì không thể. 

Nghị định 88/2017 ra đời chỉ là giảm được phần nào áp lực sáng kiến trong lĩnh vực đánh giá viên chức hàng năm. Nói về phấn đấu thi đua danh hiệu cao (Chiến sĩ thi đua), sáng kiến vẫn là điều kiện cần và đủ. Mong các thầy cô hãy hiểu rõ điều này và đừng nhầm rằng thi đua không còn cần sáng kiến. 

Tùng Sơn