Áp lực chốt lời tăng vọt trong sáng 19/12 khiến cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giảm sàn. Dư bán ở mức giá thấp nhất tính tới 10h20 lên tới gần 8 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HAG giảm 7% từ mức 13.300 đồng/cp xuống 12.400 đồng/cp.

Cổ phiếu doanh nghiệp của Bầu Đức giảm mạnh sau khi đã tăng hơn 66% kể từ đầu tháng 11, từ mức 8.000 đồng/cp lên 13.300 đồng/cp.

Cú bứt phá liên tiếp trong hơn 6 tuần sau khi Hoàng Anh Gia Lai công bố loạt thông tin tích cực, từ việc ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng LPBank của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy), đến việc bán tài sản, thu được nợ để trả nợ, được xóa nợ nghìn tỷ... và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc.

HAGL tiếp tục đặt trọng tâm đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn trái, nuôi heo với những tín hiệu được Bầu Đức đưa ra rất tích cực.

Trong vài năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu và tình hình tài chính dần ổn định trở lại. Tổng nợ của HAGL đã giảm rất mạnh, từ vài chục nghìn tỷ xuống còn vài nghìn tỷ đồng.

Vào cuối tháng 9, Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Hoàng Anh Gia Lai thông qua nghị quyết bán khách sạn HAGL 4 sao tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai và thu về 180 tỷ đồng.

bau duc 10.jpg
Cổ phiếu HAG của Bầu Đức quay đầu giảm sàn sau khi tăng 67% trong tháng rưỡi.

Trong tuần qua, HAGL của Bầu Đức cũng thông tin công ty được Ngân hàng Eximbank giảm nợ lãi tới hơn 1.400 tỷ cho công ty con - CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Điều này sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức hoàn nhập vào lợi nhuận năm 2023, qua đó ước lãi cả năm sẽ đạt 2.150 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch. Chăn nuôi Gia Lai cũng thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng, gồm cả gốc và một phần lãi trong hạn cho Eximbank.

Thông tin này cùng với việc HAGL sắp bán Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai để lấy tiền để mở rộng trồng sầu riêng... tiếp tục ảnh hưởng tích cực lên cổ phiếu HAG trong phiên đầu tuần.

Trong thập kỷ qua, doanh nghiệp của Bầu Đức đã bán rất nhiều tài sản có giá trị. Đó là HAGL Resort Quy Nhơn và Đà Lạt cách đây hơn một thập kỷ. Hồi năm 2019, Bầu Đức bán dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre cho Thaco và chính thức rút khỏi mảng bất động sản. Đây là khu phức hợp với cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao.

Sau đó, năm 2021, HAGL đã bán HAGL Agrico cho Thaco. HAGL Agrico là doanh nghiệp hoạt động trong mảng nông nghiệp của Bầu Đức và có diện tích đất lớn.

HAG gần đây lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành mới. Cụ thể, công ty dự kiến chào bán 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; số tiền huy động dự kiến 1.300 tỷ đồng sẽ được dùng để cơ cấu lại nợ cho công ty con - Hưng Thắng Lợi Gia Lai, Gia súc Lơ Pang và thanh khoán nợ trái của phiếu HAG.

Trong tháng 10, HAG ghi nhận doanh thu tăng đột biến và kỳ vọng sớm xoá hết lỗ luỹ kế. HAG gần đây tăng mạnh bán chuối và sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc.

Mặc dù công bố nhiều thông tin tích cực nhưng tình hình sức khỏe tài chính của HAG còn phức tạp.

Tới cuối tháng 9/2023, HAG còn lỗ lũy kế hơn 2.640 tỷ đồng. HAG cũng chậm thanh toán gốc và lãi một lô trái phiếu trị giá hơn 4.000 tỷ đồng với lý do chưa thu hồi được khoản nợ của HAGL Agrico. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới hơn 7.700 tỷ đồng. Chi phí lãi vay vẫn còn rất lớn.

Trên TTCK, áp lực bán vẫn có xu hướng áp đảo. Việc khối ngoại bán ròng triền miên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Sáng 19/12, nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản cũng chịu áp lực giảm như Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; Phát Đạt (PDR), Nhà Khang Điền (KDH), Hà Đô (HDG), Đất Xanh (DXG)...

Cổ phiếu bất động sản công nghiệp Itaco (ITA) giảm sàn xuống 6.710 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ cũng hầu hết giảm giá.

Cổ phiếu Ngân hàng LPBank (LPB) giảm nhẹ 100 đồng xuống 15.350 đồng/cp.