Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thiên Tân thông báo đã bán 1,85 triệu cổ phiếu của Tổng công ty đầu tư phát triển xây dựng (DIG). Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu 17/5. Doanh nghiệp bán cổ phiếu DIG với mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu. Sau giao dịch, Thiên Tân còn sở hữu 88,5 triệu cổ phiếu DIG, tỷ lệ nắm giữ giảm từ 18,07% xuống 17,7%.
Trước đó, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam cũng đã bán 4,3 triệu cổ phần trong hai ngày 20/4 và 27/4. Sau giao dịch, lượng nắm giữ của Him Lam giảm từ 29,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,856%) xuống 24,9 triệu đơn vị (4,987%).
Từ đầu năm đến nay, Him Lam đã liên tục bán ra cổ phiếu DIG. Tổng khối lượng bán đạt khoảng 42,8 triệu cổ phần, giảm lượng nắm giữ từ 67,7 triệu về 24,9 triệu cổ phiếu.
Trước áp lực giảm của thị trường chung và Him Lam thoái vốn, cổ phiếu DIG ghi nhận đà giảm từ vùng 107.500 đồng/cp cuối tháng 3 về 48.500 đồng/cp tính đến 16/5. Cổ phiếu này mới có sự phục hồi gần đây lên 58.900 đồng/cp chốt phiên cuối tuần qua.
Năm 2021, DIG là một trong những cổ phiếu bùng nổ ấn tượng nhất thị trường. Đầu tháng 10/2021, mặt bằng giá cổ phiếu này chỉ khoảng hơn 30 nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó đã tăng tốc cán mốc gần 120 nghìn đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 1/2022. Theo đó, thị giá của DIG đã tăng gấp tới gần 4 lần chỉ trong vòng hơn 3 tháng.
Năm nay, DIC Corp sẽ phát hành thêm hơn hơn 209 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, công ty sẽ phát hành thêm 85 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 17%; phát hành 24,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5% so với số đang lưu hành) với mục đích bổ sung nguồn vốn đầu tư từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; chào bán cho các cổ đông hiện hữu thêm 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cp.
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Hiệp, con trai ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Đầu tư Nam Long (NLG) đăng ký bán 800.000 cổ phiếu từ 25/5 đến 23/6 theo phương thức giao dịch thỏa thuận để cơ cấu danh mục đầu tư. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Hiệp giảm sở hữu từ 1,8 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,5%) còn 1 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,3%).
Ông Hiệp đăng ký thoái cổ phần Nam Long trong bối cảnh cổ phiếu này có đà phục hồi sau khi giảm theo đà chung của thị trường. Trong phiên giao dịch ngày 20/5, mã này đang giao dịch quanh mức 47.400 đồng/cp, giảm hơn 27% so với mức đỉnh 65.100 đồng/cp ngày 7/1.
Dòng tiền khá thận trọng
Sau sáu tuần căng thẳng với đà giảm liên tiếp của thị trường, nhà đầu tư đã có thể thoải mái hơn khi VN-Index hồi phục trong tuần qua, tuy vẫn với thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.
VN-Index tiếp tục trong trạng thái giằng co, do dòng tiền vẫn còn khá thận trọng và dưới áp lực của vùng cản quanh 1.250 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,07%) xuống 1.240,71 điểm. HNX-Index giảm 1 điểm (-0,32%) xuống 307,02 điểm. UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,5%) xuống 94,11 điểm.
VDSC nhận định, diễn biến ở các nhóm ngành cũng đang có phân hóa. Điều này cho thấy sự thận trọng vẫn đang bao trùm lên tâm lý của các nhà đầu tư. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ cần một nhịp lùi bước để kiểm tra lại cung-cầu và để chờ đợi sự tham gia đồng bộ hơn của dòng tiền ở các nhóm ngành. Dự kiến, vùng 1.200-1.220 điểm vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index trong tuần.
Theo SHS, định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E của VN-Index và VN30 chỉ quanh mức 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá lại càng trở nên hấp dẫn hơn.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS) cho rằng, thị trường hiện tại rất phù hợp đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn tiến hành mua và nắm giữ cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong nước dần được khống chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và ghi nhận nhiều kết quả tích cực hơn so với cùng kỳ.
Bảo Anh