Dường như tham vọng đánh bại Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới đã hoàn toàn sụp đổ với Huawei sau khi Google dừng cấp phép sử dụng hệ điều hành Android với hãng này. Gần như ngay sau đó, Intel và Qualcomm cũng chấm dứt hợp đồng cung ứng linh kiện cho Huawei.
Những động thái này đã có ảnh hưởng đến tâm lý người dùng smartphone của Huawei, trước khả năng họ không còn được sử dụng các dịch vụ Google Maps, YouTube và Gmail của Google do không còn được hỗ trợ Android nữa.
Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc tình cảnh khốn khó của Huawei có thể sẽ mang lại lợi ích cho Samsung. Các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến việc kinh doanh smartphone của Huawei trên thị trường bên ngoài Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Và như vậy Samsung sẽ có cơ hội để củng cố vị thế của mình tại các thị trường quan trọng như Châu Âu, Mỹ.
Samsung đang hưởng lợi trong tình cảnh khốn khó của Huawei |
Điều này đã giúp giá cổ phiếu của hãng smartphone lớn nhất thế giới tăng 4,3% trong phiên giao dịch chiều 21/5 tại Seoul.
Ngay cả khi Huawei đang phát triển một hệ điều hành riêng Kirin OS cho mình để tránh phụ thuộc vào Android, thì cũng rất khó để Kirin OS có thể đạt được ngang tầm với Android, hay chí ít phải sau nhiều năm nữa.
Ngay cả khi hệ điều hành Kirin OS của Huawei đạt được khả năng thay thế, nhưng nếu không có các dịch vụ của Google thì hệ sinh thái ứng dụng sẽ vẫn là một rào cản đối với người dùng bên ngoài Trung Quốc. Điều này giống như kết cục của Windows Phone, Tizen,...
Samsung chiếm 23,1% doanh số điện thoại thông minh toàn cầu trong quý đầu năm nay, theo công ty theo dõi dữ liệu International Data Corporation, trong khi Huawei có được 19,0%.
Mặc dù Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến giữa tháng 8 tới, nhưng tác động của các biện pháp chống Huawei đối với cả hai bên được dự báo là không hề nhỏ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong một diễn biến mới nhất, Microsoft vừa chính thức ngừng bán các thiết bị của Huawei trên các kênh bán hàng trực tuyến của Microsoft và để ngỏ khả năng cấm sử dụng Windows với tất cả máy tính của hãng công nghệ Trung Quốc.
Hải Phong (tổng hợp)
Bị Google quay lưng, điện thoại Huawei nhìn đâu cũng thấy 'cửa tử'
Bài học của Amazon, Nokia cho thấy việc tạo một hệ điều hành mới hay sử dụng nền tảng Android mã nguồn mở đều khiến Huawei gặp khó khăn trên thị trường di động.