- “Chân lý sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, thành quả cách mạng là do nhân dân làm nên là rất rõ ràng”- Ông Vũ Mão.

Xây thành trì trong lòng dân thì không sợ phá hoại

Thưa ông Vũ Mão, chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Là người nhiều năm liền được tín nhiệm bầu vào cơ quan dân cử cao nhất, ông có chia sẻ gì về ý nghĩa quan trọng của các cuộc bầu cử, đặc biệt là cuộc bầu cử sắp diễn ra tới đây?

Tôi được bầu vào làm Đại biểu Quốc hội khoá VIII từ năm 1987 đến năm 1992. Đây là một vinh dự rất lớn đối với tôi. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi còn được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước và là Chủ nhiệm Ủy ban Thanh – Thiếu niên và Nhi đồng của QH. Sau đấy tôi chuyển sang làm ĐBQH chuyên trách và là chủ nhiệm Văn phòng QH và Hội đồng Nhà nước.

QH khoá VIII được luồng gió đổi mới của ĐH Đảng lần thứ VI vào năm 1986 nên có nhiều đổi mới. Nhân dân đã quan tâm tới các hoạt động của hội nhiều hơn. Công tác báo chí phục vụ QH có nhiều đổi mới, tạo nên không khí sôi nổi trong cả nước.

Các kỳ bầu cử QH tiếp theo, tôi còn được phân công làm Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử TW nên tôi hiểu rất rõ về công tác bầu cử.

{keywords}
Ông Vũ Mão. Ảnh: tác giả cung cấp

Với việc bầu cử đại biểu QH khoá 14 và đại biểu HĐND lần này, tôi có sự quan tâm đặc biệt bởi sự kiện được diễn ra sau ĐH Đảng lần thứ 12 và kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng tuyển cử QH đầu tiên năm 1946.

Nối tiếp truyền thống của các kỳ bầu cử QH trước, tinh thần dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền ở cuộc bầu cử lần này được phát huy tốt. Cơ quan bầu cử từ TW đến địa phương đã làm việc rất nghiêm túc và trách nhiệm. Đến nay các công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành.

Với bất kỳ chính thể nào, thời đại nào, quốc gia nào hay đảng phải nào, nếu có sự ủng hộ của người dân là có tất cả? Nhìn lại hành trình phát triển của đất nước, theo ông, người dân đã có những đóng góp lớn lao như thế nào?

Nhớ lại cuộc tổng tuyển cử QH đầu tiên vào 6/1/1946 đã ghi những dấu ấn rất đặc biệt. Khi đó thù trong giặc ngoài, nạn đói vẫn đang hoành hành, người dân đa số mù chữ… Nhưng với quyết tâm chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm tiến hành cuộc tổng tuyển cử.

Bài học ở đây là: Tuyệt đối tin tưởng vào lòng yêu nước của nhân dân, truyền vào từng trái tim của người dân những ước vọng về nền độc lập của dân tộc, về nền dân chủ, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc tổng tuyển cử nhiều nơi đã diễn ra trong máu lửa của chiến tranh, nhưng nhân dân ta không sợ mà vẫn hăng hái đi bầu. Để nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc tổng tuyển cử, Bác Hồ đã luôn luôn đưa ra các chỉ thị, hướng dẫn sâu sắc; cán bộ Việt Minh đến từng gia đình để tuyên truyền vận động. Trong khoảng 1 tháng diễn ra cuộc bầu cử Bác đã cho thành lập tờ báo QH để kịp thời tuyên truyền những chủ trương chính sách tới người dân.

Cuộc bầu cử này có tỷ lệ người đi bầu rất cao, số người ứng cử rất nhiều. Điển hình như Hà Nội có tới 74 ứng cử viên để bầu ra 6 vị ĐBQH mà kết quả rất tốt.

Từ thực tiễn sinh động của cuộc bầu cử này, chúng ta thấy rất rõ khi đã luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân trên hết và hết lòng vì dân, được nhân dân ủng hộ thì việc gì cũng thành công và thắng lợi.

70 năm qua chúng ta đã phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Đảng ta trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo đã tập hợp được toàn thể nhân dân trong và ngoài nước, đã huy đông được sức mạnh tổng hợp để làm nên những thắng lợi vẻ vang.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ cách mạng, lãnh đạo của chúng ta cũng đã từng mắc phải những sai lầm. Mỗi lần như vậy Đảng ta đã nghiêm túc kiểm điểm và nhận sai lầm để kiên quyết sửa chữa để lấy lại niềm tin của nhân dân, kiên quyết đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước tiến lên. Bài học ở đây là phải kiên quyết chống tư tưởng kiêu ngạo và thức sự khiêm tốn của những người cộng sản.

Câu chuyện nào mà ông từng biết để minh chứng về những công lao cực kỳ to lớn của người dân trong việc thể hiện trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của dân tộc, của đất nước?

Theo tôi có 3 câu chuyện:

Thứ nhất là cuộc tổng tuyển cử 1946 đã giành thắng lợi. Người dân hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác Hồ và của Đảng để từ đó đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, giành thắng lợi huy hoàng.

Thứ hai là những tổn thất trong cải cách ruộng đất là vô cùng to lớn, người dân rất đau lòng. Nhưng Đảng đã nhận lỗi và quyết tâm sửa chữa, lấy lại niềm tin của nhân dân để đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần kỳ.

Thứ ba là sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước đã thống nhất, chúng ta có những sai lầm, nhất là trong lãnh đạo kinh tế dẫn đến đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, hiện tượng nhập khẩu lương thực là rất kỳ lạ. Chúng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm đổi mới được nhân dân đồng tình ủng hộ và thành tựu của ngày hôm nay là một minh chứng rõ ràng.

Không thể phủ nhận, chính người dân đã làm nên những thành quả của ngày hôm nay. Chính người dân là linh hồn của các sự kiện trọng đại của đất nước. Ông có thể đánh giá thế nào về trách nhiệm, vai trò to lớn của người dân đối với cuộc bầu cử sắp tới, cũng là đối với những thành quả mà người dân đã không tiếc máu  xương giành được?

Chân lý sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, thành quả cách mạng là do nhân dân làm nên là rất rõ ràng. Tôi được phân công chỉ đạo để viết cuốn lịch sử Quốc hội  tập 1 (1946 – 1960) nên hiểu được rất sâu sắc bài học nêu trên. Cuộc tổng tuyển cử năm 1946 đã trở thành một bài học mẫu mực về vai trò của người dân đối với thắng lợi của tổng tuyển cử.

Các cuộc bầu cử gần đây đã phát huy được khá nhiều những kinh nghiệm của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Tuy nhiên cũng phải nói rất thật rằng còn khá nhiều việc cho một cuộc bầu cử mà chúng ta chưa làm được tốt lắm. Có thể nêu những ví dụ như sau:

Chúng ta nhận thức tiêu chuẩn của đại biểu là quan trọng nhất, đồng thời cơ cấu cũng rất cần thiết. Nhưng trong thực tiễn chỉ đạo, vấn đề này còn có những khía cạnh cứng nhắc, làm cho các địa phương có nhiều lúng túng. Trên thực tiễn có nơi nặng về cơ cấu mà nhẹ về tiêu chuẩn và chất lượng.

Về tỷ lệ người ngoài Đảng trong QH, về người tự ứng cử là một trong những khía cạnh quan trọng mà người ta xem xét, nhìn nhận về tính dân chủ của cuộc bầu cử. Các cuộc bầu cử vừa qua, tỷ lệ người ngoài Đảng còn thấp, cũng như những người tự ứng cử là một con số rất nhỏ bé trong tổng số ĐBQH. Tôi hiểu rằng trong chỉ đạo của chúng ta muốn có tới ít nhất 20% người ngoài Đảng và có 10% người tự ứng cử mà trúng cử. Tỷ lệ và con số này chưa bao giờ đạt được và ở lần bầu cử này cũng vậy thôi.

Thời gian và số lần ứng cử viên được tiếp xúc với cử tri còn quá ít, nơi đạt cao cũng chưa tới 2% còn nơi đạt thấp chỉ là 0,5%. Tiếp xúc của ứng cử viên với cử tri còn đơn điệu. Cử tri chưa có điều kiện nghiên cứu và thảo luận kỹ lưỡng chương trình hành động của ứng cử viên.

Tình trạng bầu hộ bầu thay vẫn còn khá phổ biến. Điều đó chứng tỏ công tác chỉ đạo bầu cử vẫn còn khiếm khuyết và người dân cũng chưa ý thức được đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Công tác tuyên truyền bầu cử ngày nay thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều nhưng các hình thức trong hoạt động tuyên truyền bầu cử chưa phong phú, chưa đến tận người dân. Tôi nhớ lại trong cuộc tổng cử 1946, cán bộ Việt Minh và những người cảm tình cách mạng đến từng thôn xóm bản làng, đến từng gia đình để tuyên truyền bầu cử.

Những bài học ấy ngày nay cần được tiếp tục phát huy.

Hoàng Hường thực hiện

Thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được
QH khóa XIII và những "món nợ" với dân, với nước
QH không phải nơ "im lặng là vàng"
Xây thành trì trong lòng dân thì không sợ phá hoại