Nên nghiên cứu bổ sung chế tài kỷ luật đối với hành vi cố tình báo cáo, sử dụng sai lệch các con số thống kê của các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng thống kế vào Bộ luật Hình sự.
Bài 1: Đại án bầu Kiên, Dương Chí Dũng và chuyện minh bạch
Bài 2: Xâm phạm lợi ích triệu người, vẫn không thể kiệnTư duy lập pháp thiếu nhất quán
Ngoài việc không công bố đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, thì hệ thống pháp luật Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư. Thiếu tư duy nhất quán dẫn tới hệ thống pháp luật khó thống nhất và đối với doanh nhân điều này làm cho việc dự đoán chính sách kinh tế nhà nước càng trở nên khó khăn.
Thực tế "công xưởng làm luật" nằm rải rác ở các bộ ngành. Công xưởng làm luật nằm rải rác như hiện nay, dẫn đến hai hiện tượng:
Thứ nhất, lợi ích cục bộ của cơ quan soạn thảo luật đồng thời là cơ quan quản lý ngành lĩnh vực tương ứng sẽ được phản ánh vào dự thảo và thường theo khuynh hướng giữ lại đặc quyền của bộ ngành.
Thứ hai, các chuyên viên khi soạn thảo dự thảo thường chỉ quan tâm các thuật ngữ thường dùng trong ngành mình và đưa cách hiểu này vào dự thảo mà không có sự khảo cứu thấu đáo việc sử dụng thuật ngữ ở các văn bản pháp luật hiện có. Dẫn tới hiện tượng "đồng âm" khác nghĩa giữa các đạo luật do các bộ ban hành; tạo ra sự vênh giữa các luật.
Ví dụ: Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng soạn thảo lấy thời điểm chuyển giao quyền sở hữu nhà ở gắn liền đất là thời điểm hai bên ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng; trong khi đó Luật đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo lại lấy thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm chuyển quyền sở hữu, tạo nên hiện tượng nhà thì của B nhưng đất vẫn là của A, không thể thi hành án được.
Và để bảo đảm cách dùng thuật ngữ và tư duy lập pháp của bộ ngành mình sẽ thống trị, phủ định cách hiểu ở các văn bản khác, một số đạo luật đã tự ấn định cho mình quyền ưu tiên áp dụng trước các đạo luật khác bằng cách tự xác định mình là luật riêng (lex specialis), ưu tiên áp dụng (có hiệu lực cao hơn) trước các đạo luật khác (lex generalis). Vì vậy, đôi khi những giá trị tốt đẹp trong các đạo luật lớn như Bộ Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp bị các luật chuyên ngành phá huỷ.
Ảnh minh họa |
Không có án lệ - pháp luật chứa đầy bất định
Cái mà doanh nhân quan tâm nhất là luật pháp được áp dụng trong thực tế như thế nào, hay nói cách khác là "luật sống", chứ không phải luật trên giấy.
Ở các quốc gia có nền lập pháp tốt, các quy phạm pháp luật rất dễ hiểu, cụ thể, chi tiết. Nên khoảng cách giữa "luật trên giấy" và "luật sống" được rút ngắn đáng kể.
Nhưng dù cố gắng chi tiết hoá đến đâu, trong văn bản quy phạm pháp luật sẽ không tránh khỏi việc dùng những từ ngữ trừu tượng như "công bằng" (ví dụ trong phân chia lợi nhuận), hay "hợp lý, cần thiết" (trong thông báo, chủ động ngăn ngừa tổn thất)... Lúc này hệ thống án lệ sẽ bù đắp phần khiếm khuyết này. Qua hệ thống án lệ, các toà án trên toàn quốc sẽ phán quyết giống nhau cho những trường hợp tương tự nhau.
Ở Việt Nam, không có án lệ, nên mỗi thẩm phán, khi xét xử có quyền tuỳ ý định đoạt, vận dụng những khoảng trống mà văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp khép kín hoặc không thể khép kín được. Quyền tuỳ ý định đoạt quá rộng, không bị ràng buộc bởi hệ thống án lệ, lại bị kích thích bởi các lợi ích khác nhau, nên quyền tuỳ ý có nguy cơ bị biến thành "tuỳ tiện". Dẫn tới, cùng một "từ, cụm từ" trong mỗi văn bản quy phạm pháp luật nhưng sẽ được thẩm phán giải thích, áp dụng khác nhau cho các vụ việc tương tự nhưng xảy ra ở các tỉnh thành khác nhau, thời điểm khác nhau.
Bên cạnh việc không thừa nhận án lệ, thì bản thân nội dung bản án của toà án Việt Nam, các công dân, tổ chức cũng không dễ gì tiếp cận được, nên họ không biết được việc áp dụng, giải thích từng điều khoản của văn bản quy phạm sẽ diễn ra như thế nào trong thực tiễn xét xử.
Hệ quả là các doanh nhân không đoán được, "từ, cụm từ" nào đó trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ có ý nghĩa như thế nào, nếu có tranh chấp xảy ra và vụ việc được mang ra toà án xét xử.
Theo lộ trình
Một mặt, VN vẫn theo lộ trình hội nhập quốc tế theo đúng các cam kết trong các hiệp định thương mại song phương, hiệp định gia nhập WTO nhưng mặt khác vẫn nỗ lực duy trì vị trí chủ đạo của kinh tế nhà nước. Thậm chí có đôi khi quay về tiệm cận chính sách công hữu hóa một số loại tài sản liên quan chính sách tiền tệ. Vào trung tuần tháng 10 năm 2013, Ngân hàng Nhà nước gây sốc khi công bố Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Theo đó, cá nhân tổ chức sở hữu ngoại tệ khi không còn muốn giữ ngoại tệ thì chỉ có một cách duy nhất là bán cho Nhà nước theo giá Nhà nước đơn phương ấn định; hạn chế mọi hình thức giao dịch ngoại tệ, kể cả tặng cho ngoại tệ cũng không được phép. May mắn, là sau khi bị công luận phản đối, ngày 06/11/2013, Ngân hàng Nhà nước rút lại ý định này.
Các hành động nêu trên cho thấy Nhà nước sẵn sàng sử dụng các biện pháp tiệm cận công hữu hoá để điều tiết nền kinh tế và cho thấy tư hữu ở Việt Nam mong manh nhường nào. Hết cấm đăng ký xe máy, lại cấm vàng miếng, cấm ngoại tệ. Xe để đi, tài sản để giao dịch. Khi chức năng chính của tài sản bị tước đoạt, hạn chế thì tài sản không bị tước đoạt hữu hình, nhưng còn cũng như không - đó chính là tiệm cận công hữu hóa.
Tạo dựng niềm tin bằng sự minh bạch
Muốn thu hút nhà đầu tư, không còn cách nào hơn phải tạo dựng niềm tin bằng sự minh bạch, mà trước hết phải bảo đảm một hệ thống pháp luật minh bạch theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Để giải quyết tình trạng trên, cần phải có một số giải pháp như sau:
1. Nên nghiên cứu bổ sung chế tài kỷ luật đối với hành vi cố tình báo cáo, sử dụng sai lệch các con số thống kê của các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng thống kế vào Bộ luật Hình sự. Từ đó hạn chế, việc công bố thông tin kinh tế thiếu chính xác, sai sự thật như hiện nay.
2. Bổ sung, sửa đổi các luật Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính, Luật Khiếu nại, theo hướng: toà án sẽ không thừa nhận giá trị của các quy phạm pháp luật chứa đựng trong các thông báo, kết luận, công văn của cơ quan nhà nước. Bổ sung quyền cho phép công dân, tổ chức khởi kiện bất kỳ hành vi công quyền nào, bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, khi cho rằng hành vi công quyền xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của mình. Từ đó vô hiệu hoá các hình thức "ban hành chui" các quy phạm pháp luật;
3. Hợp nhất hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật 2008 và Luật 2004) vào một đạo luật duy nhất và phải tuân thủ nguyên tắc: hiệu lực của văn bản tính từ ngày đăng công báo, trừ khi văn bản thuộc nội dung bí mật nhà nước. Từ đó khắc phục sự giật lùi của Luật 2004, trở về đúng các cam kết minh bạch hoá pháp luật với cộng đồng quốc tế;
4. Từng bước nâng cao tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiến tới chuyên nghiệp hoá hoạt động của Quốc hội. Từ đó tạo điều kiện cho Quốc hội hoàn thành chức năng lập pháp của mình, tránh tình trạng luật pháp chồng chéo, tản mạn như hiện nay.
5. Thừa nhận án lệ; bắt buộc các toà án phải công khai, cho mọi người tiếp cận các bản án, trừ các nội dung liên quan bí mật thương mại, thông tin về nhân thân nhạy cảm. Từ đó nâng cao tính minh bạch của "luật sống" (luật trong thực tế đời sống).
- Võ Trí Hảo (Khoa Luật - ĐH Kinh tế TP.HCM)
Bài cùng tác giả:
Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường. Không có kinh tế nhà nước, già yếu ai lo? Vậy ở những quốc gia có an sinh, phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới, họ có cần đến "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo"?. Cải cách thể chế và quyền tuyển 'đầy tớ' Hơn lúc nào hết, toàn dân thành tâm học tập và làm theo tấm gương cách mạng Hồ Chí Minh, thực thi thực chất quyền "tuyển và đuổi đầy tớ" sẽ là động lực cho cải cách thể chế. Khi kinh tế nhà nước 'thay tên tráo họ' Khi không thể biện minh bằng tính ưu việt và phi thị trường của các DNNN sau các scandal như Vinashin, Vinalines..., người ta lại gán cho "kinh tế nhà nước" nghĩa mới. |