Thế giới có tới 365 ngày trong năm, nhưng lại chỉ có một ngày 8/3 là Ngày Quốc tế phụ nữ. Vậy phải chăng những ngày khác còn lại là ngày của nam giới?
Tại sao nói “phụ nữ” là một nửa thế giới? Đây là câu hỏi có thể nhận thức được, nhưng không dễ trả lời. Thế giới có tới 365 ngày trong năm, nhưng lại chỉ có một ngày 8/3 là Ngày Quốc tế phụ nữ. Vậy phải chăng những ngày khác còn lại là ngày của nam giới?
Việc duy trì sự tồn tại, bảo đảm quyền lợi của phụ nữ, tạo sự ổn định giữa hai giới nói chung, giữa vợ - chồng trong quan hệ hôn nhân nói riêng là rất cần thiết trên thế giới, mỗi quốc gia. Làm gì để bảo đảm quyền lợi của một nửa thế giới phụ nữ nói chung, ở Việt Nam nói riêng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay?
Ảnh minh họa: Thái Bằng/ SGGP |
Người viết thiết nghĩ, không nên coi việc tổ chức ngày lễ 8/3 chỉ như một hình thức tôn vinh, biết ơn những người phụ nữ, mà cần phải hành động hàng ngày một cách thiết thực. Nghĩa là chúng ta ngày càng phải hoàn thiện và thực hiện nghiêm minh các đạo luật về giới, như các Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình… Điều đó cũng có nghĩa là, cần phải xây dựng và hoàn thiện các thể chế chính trị pháp quyền - Nhà nước pháp quyền và thể chế văn hóa đa dạng - xã hội công dân, ở nước ta.
Nhà nước pháp quyền được coi là biểu hiện thực hành dân chủ trong lĩnh vực chính trị; còn xã hội công dân là biểu hiện thực hành dân chủ trong lĩnh vực văn hóa. Hai thể chế này là cơ sở đảm bảo để thực hành dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có vấn đề bình đẳng giới, quyền lợi của phụ nữ.
Thực hành dân chủ trong lĩnh vực chính trị được hiểu là việc xây dựng và thực hiện nguyên tắc trong các đạo luật về các quyền tự do của người dân, các lực lượng, tổ chức chính trị, xã hội trong mọi hoạt động của đời sống chính trị. Đây được coi là sự điều chỉnh các hành vi của xã hội bằng pháp quyền dân chủ.
Thực hành dân chủ trong lĩnh vực văn hóa được hiểu là việc xây dựng và thực hiện nguyên tắc trong các đạo luật về các quyền tự do của người dân, các nhóm, tổ chức xã hội trong mọi hoạt động của đời sống văn hóa như tôn giáo, văn học nghệ thuật, báo chí, y tế, giáo dục, thể thao, giới tính. Đây được coi là sự điều chỉnh các hành vi của xã hội bằng văn hóa dân chủ.
Thực hành dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, về thực chất được hiểu là việc thực hiện các quyền con người theo khuôn khổ của pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là, thực hành dân chủ luôn gắn với các mục tiêu dân chủ, gắn với dân chủ hóa và mở rộng dân chủ.
Dân chủ hóa và mở rộng dân chủ được nhìn nhận tương tự như việc mở rộng “lề trái” của con đường thực hành dân chủ. Khi con đường thực hành dân chủ được mở rộng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc gia Việt Nam từng bước đạt được các mục tiêu dân chủ. Nói cách khác, dân chủ hóa và mở rộng dân chủ ở nước ta, tức là phải tôn trọng sự khác biệt của các quan điểm, ý kiến khác nhau trong xã hội, trong đó có quan điểm về giới tính, hôn nhân.
Thực hành dân chủ, dân chủ hóa và mở rộng dân chủ là động lực chủ yếu để từng bước đạt được các mục tiêu chung của Quốc gia, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ. Tức là, thể chế Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân khi được xây dựng hoàn chỉnh ở nước ta sẽ bảo vệ được các quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng, bảo vệ môi trường sống, tạo động lực cho đất nước phát triển bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Đổng, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
>> TIN LIÊN QUAN: