Nhiều năm trước, PGS. TS Trần Đình Lân, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, đã cảnh báo rằng các cảng và vùng nước cảng biển ở Việt Nam phải đối diện với khá nhiều vấn đề môi trường như: Tăng độ đục, thay đổi chế độ thủy hải văn, ô nhiễm trầm tích đáy biển và nước biển do nạo vét luồng cảng và đổ thải vật liệu nạo vét; Tăng các chất gây ô nhiễm môi trường như dầu mỡ, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, phân bón, khí độc, bụi… do bốc dỡ hàng hóa ở cảng gây phát tán, do sự cố tràn dầu; Ô nhiễm mùi, giảm độ trong của nước, giảm lượng ôxy hòa tan trong nước do đổ chất thải của tàu gây ra; Gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nước do chất độc trong sơn tàu, bụi và các hóa chất khác do đóng mới và sửa chữa tàu biển; Gây tiếng ồn, ô nhiễm không khí do khí thải, bụi và mùi khó chịu do vận tải hàng hóa, container và chạy tàu; Gia tăng những chất ô nhiễm nghiêm trọng nhất ở các vùng nước cảng do tràn dầu và hóa chất….
Trong bối cảnh xây dựng cảng xanh (Blue port) hay cảng biển “sinh thái” (Ecoport) theo mô hình cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trở thành xu hướng ưu tiên trong phát triển cảng biển trên thế giới và ở Việt Nam, năm 2020 Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam.
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã ra Quyết định số 710 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam.
Trong đó dự kiến, giai đoạn từ năm 2020 – 2025, Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh; thí điểm mô hình cảng xanh tại một số cảng biển Việt Nam và đánh giá kết quả thực hiện.
Giai đoạn từ năm 2025 – 2030, Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh; triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển Việt Nam; xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách và rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam.
Và sau năm 2030 sẽ áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam. Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên sáu nhóm tiêu chí chính, gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được ít nhất 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm thấp nhất 60/100 điểm).
Bàn về câu chuyện cảng biển xanh, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo nhấn mạnh: “Xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường không những đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên tăng trưởng xanh, mà còn giúp các cảng biển hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi lưu ý, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực khởi đầu trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường cảng biển với sự hỗ trợ của EU ở một số cảng trong hệ thống cảng biển như: Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, vấn đề quản lý môi trường ở các cảng và vùng nước của cảng vẫn còn không ít bất cập, chủ yếu trong khâu phối hợp thực hiện và hiệu lực thực thi các văn bản. Mặc dù hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quản lý môi trường cảng biển ở nước ta khá đầy đủ, nhưng ở cấp cảng vụ hàng hải, quản lý môi trường không được tách riêng và thiếu bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách về môi trường, dẫn đến những khó khăn trong phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường với các cơ quan chức năng địa phương như các sở tài nguyên và môi trường, chi cục bảo vệ môi trường, chi cục biển và hải đảo.
“Để phát triển cảng biển xanh thì một trong những nhân tố cốt lõi là cần có các doanh nghiệp xanh (doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp làm dịch vụ ở cảng, doanh nghiệp logistics…). Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý môi trường ở doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm đúng mức hơn trong thời gian tới”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi chia sẻ thêm.