Sau ăn, cậu bé thường không nói chuyện với ai, thu mình trong phòng riêng. Đến lớp, bé cũng hầu như không giao tiếp, tâm sự, chơi cùng bạn. Chỉ khi cô giáo gọi hỏi bài, bé mới đứng dậy lí nhí trả lời một vài từ hoặc một câu ngắn gọn đầy khiên cưỡng.
Lo lắng, mẹ V. đưa em đi khám, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bé bị rối loạn stress sau sang chấn (còn gọi là rối loạn căng thẳng sau sang chấn).
Thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay sau cú sốc tâm lý, không ít trẻ bỗng nhiên hạn chế giao tiếp, không nói năng dù trước đó các bé nhanh nhẹn, hoạt bát. Các bác sĩ cũng từng tiếp nhận, điều trị cho trường hợp bệnh nhi 4 tuổi (Hà Nội) thay đổi hoàn toàn sau sự ra đi đột ngột của ông nội, người vốn chăm em từ lúc chào đời.
Mẹ bệnh nhi kể lại bé vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, nhưng sau khi ông nội mất, cứ tỉnh giấc, bé lại thất thần cả tiếng đồng hồ đứng trước bàn thờ ông, bố mẹ gọi hỏi không thưa. Có hôm nửa đêm bé bật dậy đến trước bàn thờ ngắm ảnh ông.
Suốt hàng tháng trời thu mình nín lặng, phản xạ ngôn ngữ của bé 4 tuổi nghèo nàn dần. Cậu bé gần như không giao tiếp với mọi người. Thi thoảng bị ép buộc, bé chỉ bật tiếng “dạ”, “vâng” hoặc gật - lắc đầu mà không chạy nhảy dù đang tuổi ăn, tuổi chơi.
Bác sĩ Minh cho biết trẻ thường giao tiếp bằng cả lời nói và cử chỉ. Tuy nhiên, sau khi gặp các sang chấn, trẻ có thể bị rối loạn tâm lý, từ đó không giao tiếp bằng cả hai cách trên. Một số trường hợp khác, trẻ chỉ giao tiếp bằng các ám hiệu với những người xung quanh.
Không chỉ với trẻ nhỏ, người lớn cũng có tình trạng “á khẩu” sau cú sốc lớn. Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nữ bệnh nhân ngoài 40 tuổi mất khả năng giao tiếp sau khi chồng đột ngột gặp tai nạn và qua đời. Đi khám, người phụ nữ này chỉ phát ra các nguyên âm như “a”, “ê” “i”… dù rất muốn giao tiếp thành từ, câu nhưng bất lực.
Tiếp nhận các bệnh nhân này, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm, chụp chiếu, đánh giá loại trừ bệnh lý thần kinh, các tổn thương não cấp tính gây ra tình trạng “thất ngôn”. Sau đó, bệnh nhân sẽ được khai thác kỹ tiền sử để tìm nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị, trị liệu phù hợp.
Bác sĩ Minh cho hay so với người lớn, hầu hết trẻ em gặp rối loạn stress sau sang chấn có biểu hiện nhẹ hơn, thời gian để “chữa lành” nhanh. Nguyên nhân là phát triển thần kinh ở trẻ có tính linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ không chỉ bị hạn chế ngôn ngữ mà còn có thể gây ra các xung đột quá mức khiến bé lầm lì, cục cằn trong ứng xử. Rối loạn ngôn ngữ có thể tạo ra rối loạn tâm lý và dần trở thành bệnh lý, nghiện game, trầm cảm…
Theo các bác sĩ, triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn thường bắt đầu trong vòng 3 tháng của sự kiện. Mỗi người một mức độ và thời gian khác nhau, có người chỉ 6 tháng nhưng có người dài lâu hơn.
Với trẻ gặp rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, thành quả điều trị phụ thuộc lớn vào gia đình. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ, gia đình tham gia trị liệu cùng trẻ. Đơn cử, với bé trai 4 tuổi trên đây, các bác sĩ đã phải tư vấn cha mẹ về cách dạy con giao tiếp, tăng cường đưa trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế để trẻ nhìn thấy hình ảnh của ông để trẻ dần nguôi ngoai… Với trường hợp của bệnh nhi 8 tuổi, hiểu rõ vấn đề của con trai, bố mẹ cố gắng hòa hợp hơn, tránh tối đa việc tranh cãi, xung đột trước mặt con cái.