Lào Cai là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 35%, còn lại là các dân tộc thiểu số.

Yếu tố cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương, đường mòn, lối mở vô tình biến vùng đất này thành tỉnh trọng điểm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người. Vì vậy, để ngăn chặn nạn mua bán người, lực lượng công an đóng vai trò rất quan trọng.

{keywords}
Một đối tượng mua bán người bị công an tỉnh Lào Cai bắt giữ.

Tội phạm mua bán người trên địa bàn Lào Cai có những đặc điểm riêng. Các đối tượng thường đến vùng sâu vùng xa, nơi đồng bào còn nhiều khó khăn về kinh tế, cũng như hạn chế về nhận thức để lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán. Tình trạng xuất cảnh trái phép diễn biến phức tạp. Có hàng nghìn người sang nhiều khu vực ở Trung Quốc làm thuê thời vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ bị mua bán.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng công an và biên phòng, các đối tượng mua bán người thường lấy tên và địa chỉ giả để lừa dối nạn nhân khi tiếp xúc làm quen. Đồng thời chúng sử dụng nhiều số máy điện thoại loại “sim rác” để liên lạc với bị hại và cả đồng bọn trong từng vụ cụ thể. Sau khi gây án, đối tượng hủy sim hoặc thay sim mới.

Đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để làm quen với người bị hại, sau đó lừa gạt đưa sang Trung Quốc bán. Đặc biệt nổi lên tình trạng đối tượng phạm tội sử dụng ảnh đại diện trên Facebook là người Trung Quốc và tự giới thiệu là cán bộ hải quan, biên phòng hoặc công an đang sinh sống, làm việc tại Trung Quốc để làm quen và lừa gạt người bị hại đi sang Trung Quốc chơi, sau đó bán cho người Trung Quốc mua làm vợ.

Nhiều trường hợp, sau khi dụ dỗ, lừa gạt được phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán, đối tượng đã lấy điện thoại của nạn nhân rồi khai thác thông tin từ danh bạ điện thoại của nạn nhân. Sau đó, chúng sử dụng điện thoại để liên lạc và dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em khác đưa đi bán.

Giai đoạn 2016 - 2020, các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố, thị xã đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng điều tra, khám phá 23 vụ/ 67 đối tượng mua bán người. Phối hợp đấu tranh 3 chuyên án, tiếp nhận 3 đối tượng phạm tội, bắt 5 đối tượng truy nã. Giải cứu và tiếp nhận 182 nạn nhân bị mua bán. Phối hợp thực nghiệm điều tra, xác định hiện trường 75 vụ án do lực lượng Công an tỉnh Lào Cai phát hiện, khởi tố, thụ lý điều tra.

Khó khăn chung của các tỉnh biên giới như Lào Cai trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là khi người bị hại bị mua bán chưa trở về thì việc tố cáo chủ yếu do người thân của bị hại trình báo nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng là rất khó khăn.

Nhiều bị hại được Công an Trung Quốc phát hiện và giải cứu nhưng do đã bị bán đi quá lâu hoặc do bất đồng về ngôn ngữ, đã không thể khai báo chính xác về nhân thân và gia đình của nạn nhân ở Việt Nam. Do đó rất khó khăn trong việc xác định nhân thân, lai lịch người bị hại để hoàn thiện thủ tục tiếp nhận.

Một số bị hại chỉ làm quen với đối tượng thông qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội; chỉ gặp đối tượng một lần khi bị đưa đi bán nên không biết thông tin về đối tượng, không nhận dạng được đối tượng nên rất khó khăn cho việc chứng minh tội phạm, xử lý đối tượng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, Công an tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người. Phòng Cảnh sát hình sự đã thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các tổ công tác đồn b iên phòng cửa khẩu vận động, giáo dục các chủ đò ký cam kết không tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng, đường dây, ổ nhóm nghi vấn buôn bán người.

Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, đặc biệt là với bộ đội biên phòng trong kiểm soát, tuần tra, xử lý, phát hiện và bắt giữ các đối tượng mua bán người. Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền cho cư dân ở khu vực biên giới. Đổi mới và lồng ghép các hình thức tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và nâng cao tinh thần tố giác tội phạm cho nhân dân khu vực biên giới.

Duy Tiến