Chiều 6/11, trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, năm 2016 Hiệp hội đã có văn bản báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.

Tuy nhiên, xe dù, bến cóc ngày càng phát triển hơn gây ra ùn tắc giao thông và nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng đã xảy ra. Ngoài phá vỡ tuyến cố định, nạn xe hợp đồng trá hình còn phá vỡ quy luật vận tải thông thường, làm thất thu ngân sách Nhà nước, gây bất bình đẳng trong kinh doanh giữa loại hình xe tuyến cố định và xe hợp đồng.  

W-ong-lien-1.jpg
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

“Nhà nước đã chi hàng ngàn tỷ đồng đầu tư hạ tầng. Nhưng từ vụ nhà xe Thành Bưởi (mỗi ngày chạy hàng trăm chuyến) cho thấy, Nhà nước thất thu thuế hàng tỷ đồng”, ông Liên dẫn chứng.

Do đó, theo ông Liên muốn dẹp xe dù bến cóc thì Bộ Tài chính nên thay đổi thu thuế khoán cho địa phương quản lý (như trước đây). Xe đăng ký kinh doanh phải nộp thuế khoán tại quận, huyện quản lý theo từng loại xe: 9 chỗ, 15 chỗ, xe du lịch nhằm đảm bảo bình đẳng, chính xác.

Trong các nội dung cần sửa đổi tại Nghị định 10, ông Liên kiến nghị làm rõ vai trò của cơ quan công an. Bởi theo ông, muốn dẹp được vấn nạn này thì công an phải vào cuộc xử lý giống như các vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian vừa qua.

Ông cho rằng, cần có biện pháp mạnh tay đối với những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, lặp đi lặp lại. Ông đề xuất rút giấy phép, cấm vĩnh viễn hoạt động đối với những nhà xe này, không cho phép sang tên, đổi chủ theo hình thức kiểu “rượu cũ, bình mới” tránh trường hợp nhà xe A bị rút giấy phép thì lập tức người nhà lại lập doanh nghiệp mới.

w doi csgt 6 5 1 591.jpeg
Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý xe vi phạm (Ảnh: Đình Hiếu) 

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Mai Linh, để đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải công bằng, Bộ GTVT đã  bổ sung quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, du lịch và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong các thông tin sau dưới mọi hình thức:

Hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách (người); địa điểm đón, trả khách. Trường hợp vi phạm nội dung trên đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn”.

Ông Hùng đánh giá, quy định này làm mất lợi thế kinh doanh cho xe khách trá hình, nhưng chưa ngăn chặn triệt để vấn nạn này. Mặt khác, thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn tức là vẫn còn tạo cơ chế xin- cho. Vì thế, ông kiến nghị cần thu hồi có thời hạn cụ thể là 6 tháng hoặc 1 năm đối với xe hợp đồng vi phạm.

 Có cái nhìn trái ngược, ông Hồ Văn Hưởng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch HĐQT HTX Thống Nhất TP.HCM cho rằng, hàng ngày tai nạn giao thông xảy ra liên tục (mỗi ngày trung bình 25 người chết vì tai nạn giao thông).

Tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân (khách quan, chủ quan), do đó, ông Hưởng cho rằng “nên cá thể hoá các sai phạm là của lái xe để xử lý đúng pháp luật”.

“Thay vì nhắm vào đơn vị vận tải như doanh nghiệp, HTX rồi phạt cả đơn vị, ảnh hưởng lớn tới đời sống người lao động, cả tập thể hàng trăm người. Điều này có nên không? Việc đóng cửa doanh nghiệp, HTX do lỗi của một lái xe là không thuyết phục”, ông Hưởng nói.

Khẳng định tai nạn giao thông tất yếu vẫn xảy ra, xử lý tai nạn giao thông là nhiệm vụ của cảnh sát giao thông và cơ quan công an, ông Hưởng kiến nghị, xem xét sửa Nghị định 10 theo hướng đổi mới, phù hợp với kinh tế thị trường, giải phóng cho doanh nghiệp vận tải.