Việc Tổng cục Thủy sản làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm gây xôn xao dư luận tuần qua.

Theo một công văn được hé lộ, đoàn xác minh tố cáo thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường. Đây chắc không phải là chuyện hy hữu.

{keywords}

Lạm dụng quyền lực tiếp tay cho tiêu cực không phải là chuyện xưa nay hiếm. Ảnh minh họa: dantri.

Những vụ lạm dụng quyền lực tiếp tay cho tiêu cực không phải là chuyện xưa nay hiếm (!?). Thử điểm lại những vụ đã được báo chí công khai như Kiểm lâm tiếp tay hợp thức hóa cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu (Ninh Thuận);  Lê Văn Hải, Đội phó Đội kiểm lâm cơ động số 1 - Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoá đã trực tiếp chỉ huy bắt giữ xe chở 1,6 m3 gỗ giáng hương, song sau đó đã chỉ đạo nhận tiền hối lộ 100 triệu đồng để “tha” xe gỗ lậu này.

Hay chuyện cò lực lượng thú y cũng đang là tâm điểm dư luận. Phóng sự của VTV đã cho thấy những con lợn bệnh được ngang nhiên mua - bán ở chợ tạm B6 Thành Công, Hà Nội mà người tiêu dùng không hay biết. Những con lợn bệnh này chưa một lần được lực lượng thú y lấy mẫu kiểm dịch. Ngay cả khi có nghi vấn chủ cơ sở kinh doanh này bán lợn bệnh, Trạm thú y quận Ba Đình chỉ tiến hành kiểm tra bằng cảm quan, không tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy trình mà chỉ kiểm nghiệm trên giấy mà vẫn kết luận đây là… lợn sạch.

Cũng theo phóng sự trên, có chuyện hơn nửa số cán bộ thú y giao luôn mộc cho lò mổ. Khi phóng viên hỏi thợ mổ lợn kiêm “kiểm dịch viên” thì được trả lời hồn nhiên: “Tụi tôi là thợ kiêm kiểm dịch luôn cho nhanh chứ mấy ổng (ý nói cán bộ thú y - PV) tới cho có mặt, chứ kiểm dịch làm gì cho mất công…”.

Chưa hết, nhìn vào lực lượng gác cửa quốc gia, 31 cán bộ Hải quan TP HCM và An Giang được xác định đã nhận tiền của nhóm tội phạm để ký khống nhiều tờ khai xuất khẩu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 80 tỷ đồng.

Đâychắc cũng chỉ là những phần  nổi trong bức tranh chung về nạn công chức lạm dụng quyền lự tiếp tay cho các thế lực làm ăn phi pháp và trục lợi cá nhân.

Từ những ví dụ có thực trên cho thấy, việc nhiều ý kiến trong xã hội than thở về một nền công vụ đang ngày càng xuống cấp không phải là không có căn cứ. Người dân không khỏi thắc mắc về việc quyền lực của đất nước thuộc về nhân dân, nhân dân ủy thác cho nhà nước và nhà nước giao một số quyền điều hành cho cán bộ công chức trong bộ máy của mình, thế nhưng đây đó có chuyện cán bộ công chức hành xử một cách lạm quyền đang có xu hướng gia tăng.

Thay vì sử dụng quyền đó để phục vụ dân, làm những việc có lợi cho cộng đồng đằng này lại dụng quyền đó tiếp tay cho các thế lực đen để trục lợi gây thiệt hại cho xã hội (!?).

Giao Hải quan gác cửa đất nước thì có chuyện một số nhân viên hải quan biến chất tiếp tay cho buôn lậu; Giao kiểm lâm giữ rừng thì nảy nòi  những kẻ hùa với lâm tặc phá rừng; Giao Thú ý giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm thì họ lại tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn tràn vào mâm cơm của từng gia đình… Chẳng thể biện minh cho những hành động lạm quyền này. Tất cả là do lòng tham vô đối của một số kẻ tha hóa, biến chất kiếm tiền bằng mọi giá, bằng cả sinh mệnh của đồng bào mình.

Quay trở lại vụ Tổng cục Thủy sản làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm  là cực kỳ nghiêm trọng. Tôi thắc mắc tại sao lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định “hành vi lợi dụng chức trách nhiệm vụ để đưa thêm các sản phẩm nằm ngoài danh mục là vi phạm quy định”. Tôi cũng thắc mắc, những vi phạm như vậy đã đủ yếu tố để xử lý hình sự chưa?

Xưa nay, quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có lạm quyền, có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Và ai cũng biết rằng khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại.

Cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục bền bỉ và kiên định của mọi nhà nước, chống mạnh thì thịnh, chống yếu thì suy, ngoài ra không có con đường nào khác.

Diệp Văn Sơn