'NYM – Tôi của tương lai' do tác giả Nguyễn Phi Vân thực hiện là sản phẩm sách đầu tiên đánh dấu sự kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo.
Ammar Reshi nảy ra ý tưởng sử dụng công nghệ AI để viết sách cho trẻ em khi đang chơi với ChatGPT, chatbot này được điều hành bởi công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) của OpenAI. Chỉ vài ngày sau, một quyển sách ảnh 12 trang “ra lò”, anh bắt đầu in ấn và bán trên sàn thương mại điện tử Amazon mà không cần đụng đến 1 cây bút hay tờ giấy nào.
Reshi đã công bố thành tựu này trên một bài đăng viral trên Twitter, một minh chứng cho sự phát triển thần kỳ của các công cụ AI như ChatGPT, với khả năng bắt chước suy nghĩ và ngôn từ của con người tốt đến đáng sợ.
Nhưng quyển sách có tựa đề Alice and Sparkle (Alice và Sparkle) này cũng khơi lại sự tranh cãi về tính đạo đức của các tác phẩm tạo ra từ AI. Nhiều người cho rằng công nghệ này chèn ép họa sĩ và giới nghệ thuật nói chung. Các công cụ AI được huấn luyện dựa trên những tác phẩm có sẵn của nghệ sĩ và trở thành mối đe dọa thay thế công việc của họ.
Reshi là một quản lý thiết kế sản phẩm sống ở San Francisco. Anh thu thập ảnh từ Midjourney, một công cụ AI có thể biến câu lệnh thành thành hình ảnh, lấy cốt truyện từ cuộc đối thoại giữa bản thân và ChatGPT về một cô bé tên Alice.
“Ai cũng có thể dùng những công cụ này”, Reshi cho tờ TIMES biết. “Chúng có thể được tiếp cận rộng rãi và cũng không khó để dùng”.
Thí nghiệm tạo ra một quyển sách trong vài ngày này chứng tỏ khả năng hoàn thành công việc vượt trội của AI, nhưng nó cũng kèm theo nhiều vấn đề. Trong tranh, một số ngón tay nhìn giống móng vuốt, đồ vật bay lơ lửng và vài khung bị đổ bóng sai lệch. Tranh ảnh trong sách dành cho trẻ em thường phải vượt qua nhiều vòng kiểm duyệt, nhưng điều đó khó làm với các tác phẩm tạo ra trên Midjourney. Người dùng chỉ có thể đánh một câu lệnh và chờ vài giây để nó tạo ra hình ảnh.
Alice and Sparkle kể về cô bé Alice, người tạo ra một con rô-bốt có trí tuệ nhân tạo và khả năng đưa ra quyết định của riêng nó. Reshi có ý định tặng vài bản cho thư viện gần nhà anh.
Dự án này nhận được nhiều lời khen từ người dùng Twitter vì sự sáng tạo, nhưng giới họa sĩ dành nhiều lời chỉ trích cả về quá trình và thành phẩm của Reshi. Đối với họ, tốc độ và sự dễ dàng này đã nêu lên vấn đề đạo đức tiêu biểu của AI. Các công cụ trí tuệ nhân tạo được huấn luyện bằng các tập hợp dữ liệu chứa hàng triệu hình ảnh trên Internet. Chúng dùng thuật toán nhận biết sự tương đồng giữa các hình, từ đó tạo ra hình ảnh mới.
Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả tranh ảnh được đăng trên Internet đều có thể được dùng để huấn luyện thuật toán của AI mà không được họa sĩ gốc cho phép. Có ý kiến cho rằng đây là một cách đạo nhái công nghệ cao, và có thể gây hại cho những họa sĩ thật trong tương lai gần.
Bài tweet quảng cáo quyển sách của Reshi nhận được hơn 6 triệu lượt xem và 1.300 lượt trả lời. Đa phần các lượt trả lời thuộc về những họa sĩ, họ yêu cầu họa sĩ nên được trả tiền hoặc công nhận nếu tác phẩm của họ bị AI dùng.
“Để bảo vệ quyền lợi và tài sản của họa sĩ nên có những quy định khắt khe hơn về việc huấn luyện thuật toán dựa trên tác phẩm nghệ thuật,” Michelle Jing Chang, một họa sĩ vẽ sách trẻ em cho biết. “Các họa sĩ nên được đền bù xứng đáng khi tác phẩm của họ bị sử dụng”.
“Với tôi, vấn đề lớn nhất của AI là chúng được huấn luyện dựa trên sức lực của người họa sĩ” Adriane Tsai, một họa sĩ khác đồng tình. “Chúng tôi tạo ra tác phẩm, tạo ra phong cách riêng, và chúng tôi chưa từng cho phép AI sử dụng”.
Một số công ty và nhãn hàng đã chọn công nghệ AI thay vì con người. Đoàn ba-lê San Francisco Ballet dùng hình ảnh tạo ra bởi Midjourney để quảng cáo vở Kẹp hạt dẻ mới. Một người mẫu ảo tên Shudu Gram đã làm mẫu cho nhiều nhãn hàng bao gồm Louis Vuitton. Và ở câu lạc bộ hài, trí tuệ nhân tạo kể hài độc thoại.
Trào lưu này khiến nhiều nghệ sĩ lo sợ về tương lai, khi khách hàng có thể tạo ra tác phẩm nhờ AI mà không cần trả tiền cho người lao động.
“Tôi kiếm sống và mua vui qua việc viết lách, thế nên tôi rất bất an khi thấy mọi người tìm đến những nguồn rẻ hơn thay vì nhà văn thật. Viết vốn đã là một nghề khó sống kinh khủng”, nhà văn Abraham Josephine Riesman bày tỏ.
Đối mặt với sự lo lắng trên, Reshi phản hồi bằng cách kêu gọi sự bảo vệ cho những nghệ sĩ có tác phẩm bị dùng trong thuật toán AI từ chính tác giả của OpenAI và Midjourney.
“Tôi nghĩ đó là những lo lắng thực tiễn, và tôi thực sự đồng cảm với họ”, Reshi nói. “Giới công nghệ phải hợp tác với nghệ sĩ khi phát triển những công cụ này, đó là điều rất quan trọng”.
Khánh Nguyễn