Khi lên xe, học sinh sẽ được điểm danh bởi cô giáo, quẹt thẻ trực tiếp hoặc thông qua thiết bị camera AI. Với tài xế hoặc người phụ trách xe, sau khi học sinh xuống hết sẽ phải di chuyển đến cuối xe, quét mã QR để xác nhận kết thúc hành trình.
Giải pháp đưa đón học sinh theo thời gian thực do PHX Smart School, đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa, nghiên cứu và phát triển, đang được ứng dụng tại nhiều trường học ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là giải pháp nằm trong bộ giải pháp công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo và IoT cho trường học thông minh, từng được trao giải thưởng Sao Khuê vào năm 2021.
Ông Hà Văn Đạt, quản lý dự án, cho biết, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt thời gian di chuyển từ nhà đến trường luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Xuất phát từ nhu cầu ấy, đơn vị này đã đưa ra giải pháp nhằm giúp cha mẹ có thể theo dõi xe đưa đón theo thời gian thực và nhận được thông báo một cách tự động, chi tiết về tình hình con em mình trong suốt chuyến đi.
“Bằng việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT) và công nghệ theo dõi (GPS), giải pháp này sẽ giúp theo dõi và đảm bảo an toàn cho học sinh sử dụng xe buýt đến trường. Việc tối ưu hóa công nghệ cũng sẽ hạn chế được những sự cố đáng tiếc xảy ra với trẻ”, ông Đạt nói.
So với một số ứng dụng quản lý khác đang được đưa vào sử dụng, theo ông Đạt, giải pháp này được thiết kế phù hợp với từng ngôi trường ở Việt Nam, trong đó có 3 cách thức điểm danh để các nhà trường lựa chọn.
Cụ thể, trên mỗi chuyến xe đưa đón đều được gắn các thiết bị camera AI quét sinh trắc gương mặt để xác nhận học sinh đã lên xe. Ngoài ra, học sinh cũng có thể dùng thẻ hoặc mã QR để quét mỗi khi lên/xuống xe. Một cách thức khác, trực tiếp người giám sát xe sẽ điểm danh và tích thủ công trên phần mềm.
Khi đó, các dữ liệu bao gồm thông tin học sinh, thời gian lên/xuống xe ngay lập tức sẽ được đồng bộ trên ứng dụng. Phụ huynh và nhà trường sẽ cùng lúc nhận được thông báo thông qua ứng dụng di động hoặc phần mềm quản trị. Nhờ vậy, phụ huynh có thể yên tâm con đã lên xe; nhà trường cũng sẽ kiểm soát được quá trình đưa đón theo thời gian thực như số học sinh lên xe qua từng chặng, số học sinh vắng mặt...
Ngoài ra, nhờ tính năng theo dõi vị trí của xe theo thời gian thực trên bản đồ, phụ huynh và nhà trường cũng có thể xem được xe đang đi đến chặng đường nào, có đến trường đúng giờ hay không.
“Giả sử, có những ngày trời mưa, đường tắc, phụ huynh chờ mãi không thấy thông báo con đã đến trường, nhờ tính năng này, cha mẹ có thể biết con đang ở đoạn nào trên đường, từ đó cũng cảm thấy yên tâm hơn”, ông Đạt nói.
Để đảm bảo không có sai sót, khi xuống xe và qua cổng trường, học sinh tiếp tục quét camera hoặc thẻ để xác nhận. Trạng thái trên ứng dụng sẽ lập tức thay đổi và gửi thông báo tới phụ huynh, xác nhận học sinh đã vào trường.
Đối với tài xế hoặc người phụ trách xe, sau khi học sinh xuống hết sẽ phải di chuyển đến cuối xe, quét mã QR để xác nhận kết thúc hành trình đưa đón.
“Như vậy, bắt buộc tài xế hoặc người phụ trách phải quan sát một lượt từ trên xuống cuối xe để kiểm tra tổng quan lại một lần trước khi quét mã và đưa xe vào bãi. Bằng hai lớp xác nhận như vậy sẽ hạn chế tối đa tình trạng bỏ quên trẻ trên xe đưa đón”, đại diện PHX Smart School nói.
Phụ trách xe theo dõi lịch sử học sinh lên xuống xe (bên trái) và phụ huynh theo dõi vị trí thực của con trên bản đồ (bên phải).
Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng hỗ trợ thông báo đến riêng từng phụ huynh. Chẳng hạn khi đang đi trên đường, một học sinh có dấu hiệu không khỏe, người phụ trách xe có thể gửi thông báo hoặc nhắn tin trực tiếp cho phụ huynh của học sinh ấy nắm được.
Trong nhiều trường hợp trên đường đi, xe gặp sự cố hoặc mưa, tắc đường, ứng dụng cũng có tính năng thông báo “Xe dự kiến đến trễ 15 phút” để phụ huynh yên tâm. Trước khi đến một điểm đón tiếp theo, tùy thời gian cài đặt, hệ thống cũng tự động gửi thông báo đến ứng dụng di động của phụ huynh để cha mẹ căn thời gian đưa con ra điểm đón hoặc đón con về nhà, tránh lãng phí thời gian.
“Như vậy, phụ huynh và học sinh sẽ không phải chờ đợi giữa trời mưa giông hay nắng nóng để đón xe bởi sẽ có thông báo gửi đến ứng dụng khi xe gần tới nơi. Lái xe, người phụ trách và các học sinh khác cũng không phải chờ đợi đón bạn trong sự mệt mỏi”, ông Đạt nói.
Sau 3 năm đưa vào triển khai thực hiện tại nhiều trường tiểu học, trung học và phổ thông liên cấp ở Hà Nội, TP.HCM, giải pháp này được đánh giá hiệu quả, giúp các nhà trường quản lý được toàn bộ xe, lái xe, bảo mẫu và học sinh theo thời gian thực. Các xe đã đi đến đâu, có đi đúng lộ trình hay không, tốc độ là bao nhiêu, tốn bao nhiêu thời gian để đến được trường… cũng đều được thống kê chi tiết, rõ ràng.
“Tùy từng đặc thù và quy mô do nhà trường đặt hàng, ứng dụng sẽ có sự điều chỉnh, cải tiến phù hợp, giúp quản lý công việc tự động và đạt hiệu quả cao, tránh những sai sót không đáng có”, ông Đạt nói.
Như VietNamNet đưa tin, tại Thái Bình vừa xảy ra vụ việc bỏ quên trẻ trên xe gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, 6h20 ngày 29/5, lái xe N.V.L. và cô giáo P.Q.A. có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến trường Mầm non Hồng Nhung 2.
Bé T.G.H. (SN 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được đón lên xe cùng các bạn. Đến 17h cùng ngày, người thân của bé H. đến đón nhưng không thấy nên đã báo cho nhà trường. Mọi người tổ chức tìm kiếm, phát hiện bé T.G.H. vẫn ở trong xe đưa đón.
Do không tìm được chìa khóa, những người có mặt đã phá cửa xe để đưa bé tới bệnh viện. Tuy nhiên, nạn nhân được cơ quan y tế xác định đã tử vong. Tối ngày 29/5, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vô ý làm chết người".
Vụ việc đã dấy lên nhiều tranh luận trái chiều khi trước đó, năm 2019, tại Hà Nội cũng xảy ra câu chuyện bỏ quên trẻ trên xe khiến 1 học sinh tử vong.