Cơ hội để báo chí khẳng định vai trò

Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí trong giai đoạn vừa qua đã được các cơ quan báo chí hào hứng và nhìn nhận một cách nghiêm túc. Ứng dụng công nghệ trở thành xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, được bạn đọc tiếp nhận, thụ hưởng, dư luận đánh giá cao.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, trong thời kỳ công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển như vũ bão, công nghệ số trở thành xu thế tác động tới mọi mặt đời sống, trong đó đòi hỏi báo chí phải thay đổi để thích nghi.

global collage smartphone users across diverse environments boc.jpg
Ảnh minh họa

“Người dân Việt Nam ai cũng có thể sở hữu điện thoại thông minh, cập nhật tin tức qua nhiều kênh ngoài báo chí chính thống. Ðiều này gây ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống cách mạng và các trang mạng xã hội như: Facebook, Google… Thực tế này bắt buộc phải có cuộc “cách mạng” về công nghệ đối với báo chí.

Theo đó, các cơ quan báo chí phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, xuất bản… tạo ra những sản phẩm báo chí vừa đảm bảo tính chính xác của thông tin nhưng được trình bày dưới nhiều hình thức (không chỉ trên báo giấy) hấp dẫn với người đọc. Phải có sự thay đổi và thay đổi một cách nhanh chóng tạo thành cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ đối với ngành báo chí trong giai đoạn mới”, ông Hạ nhấn mạnh.

Theo ông Hạ, nếu báo chí quay lưng với công nghệ là tự đào thải, làm mất đi vai trò của mình. Báo chí phải nắm bắt cơ hội, đổi mới và phải ứng dụng một cách tích cực thì mới lấy lại được vai trò, sứ mệnh của mình trên mặt trận văn hóa, thông tin. 

Ðồng quan điểm, PGS.TS. Ðỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề công nghệ, thông tin giả, đến nhu cầu thay đổi trong cách tiếp cận công chúng.

Thế nhưng đây cũng là cơ hội để báo chí khẳng định vai trò của mình, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc và tiếp cận công chúng một cách hiệu quả hơn. Bởi vì thực tế đã chứng minh, công nghệ thực sự phát huy tối đa tiềm năng của báo chí, giúp giảm bớt các khâu trung gian và làm tăng doanh thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu của công chúng. Ðặc biệt, những thành tựu công nghệ góp phần nghiên cứu, đánh giá thói quen và hành vi của người dùng, từ đó có thể tiếp cận công chúng tốt hơn.

Công nghệ giúp kiểm soát nguồn tin hiệu quả

Nhận thức rõ vai trò của công nghệ với báo chí, lần đầu tiên Chính phủ có một chiến lược riêng về chuyển đổi số báo chí. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, ưu tiên các nền tảng số trong nước. 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nam Ðịnh cho biết, trong thời đại số hóa, các nền tảng báo chí đã chuyển từ các phương tiện truyền thông truyền thống (như báo in, phát thanh, truyền hình) sang các phương tiện truyền thông điện tử và mạng xã hội. Ðiều này dẫn đến sự xuất hiện của một lượng thông tin khổng lồ trên môi trường mạng.

Công nghệ số giúp quản lý và kiểm soát được những nguồn tin tức này một cách hiệu quả, nhanh chóng và chính xác. Công tác quản lý báo chí không thể chỉ dựa vào phương pháp thủ công, mà cần đến sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ để phân tích, xử lý và kiểm tra các sắc thái thông tin. Các công nghệ như phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện sớm các vi phạm, thông tin sai lệch và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, tin giả, tin sai sự thật và các thông tin độc hại (chống phá, bịa đặt, tuyên truyền tiêu cực) đang gia tăng mạnh mẽ trên môi trường mạng, nếu không được kiểm soát sẽ gây tác động xấu đến xã hội, gây hoang mang, chia rẽ và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Và công nghệ sẽ giúp tự động phát hiện cũng như ngăn chặn những thông tin này, bảo vệ sự trong sáng của môi trường truyền thông.

Ðồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Ðỗ Chí Nghĩa cho rằng để chống lại tin giả (fake news), cần thiết phải đầu tư, làm chủ công nghệ, khẳng định vị trí trên không gian mạng, giúp công chúng có thể kiểm chứng thông tin.

Theo đó, báo chí cần phát huy vai trò, sẵn sàng xung trận và chịu trách nhiệm về thông tin đưa ra. Ðồng thời, cũng cần cảnh báo kịp thời đến công chúng về những nguy cơ của tin giả.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần có chiến lược riêng trong chiến lược tổng thể chuyển đổi số quốc gia, buộc phải xác định: Công chúng của mình là ai? Ðộc giả của mình đang ở đâu? Ðã đánh giá đầy đủ chưa để đầu tư công nghệ?

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, công nghệ là một lối ra chứ không phải là nguồn thu duy nhất của báo chí. Ðể giải quyết bài toán kinh tế, trước hết cơ quan báo chí cần phải xác định đúng phân khúc, tệp độc giả truyền thống của mình. Việc chi trả “quyền lợi” tương xứng cho công chúng là điều quan trọng hàng đầu của mỗi cơ quan báo chí.

Thực tế đã chứng minh, công nghệ thực sự phát huy tối đa tiềm năng của báo chí, giúp giảm bớt các khâu trung gian và làm tăng doanh thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu của công chúng”.  PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa