Trong quá khứ, chúng ta đã nghe về các mốc mục tiêu công nghiệp hóa (CNH). Mặc dù có lúc mục tiêu tận 20 năm sau, rồi cái mốc ấy cũng đến, nhưng không đạt được. Cuối cùng, mục tiêu mơ hồ hơn và thời gian kéo dài hơn. Mục tiêu không còn là “nước công nghiệp” mà là “cơ bản là nước công nghiệp”. Mốc thời gian 2020 qua đi thì lại hướng đến 2030 và 2045.

Câu hỏi là thế nào là nước công nghiệp (hay nói cách khác đã hoàn thành CNH) và để thực hiện mục tiêu CNH thì ai làm. Nhà nước làm việc gì, doanh nghiệp làm việc gì? Đặc trưng của một nước công nghiệp hoặc cơ bản là nước công nghiệp là gì? Nếu không xác định được đáp án cho các câu hỏi này thì chỉ là mơ hồ giống như xây một ngôi nhà mà không có thiết kế.

Nói như vậy không có nghĩa là các nước phát triển có mục tiêu và bản thiết kế về nền kinh tế CNH từ trước. Thực tế quá trình phát triển công nghiệp của các nước phương Tây diễn ra tuần tự, trong một thời gian dài. Họ không có ai đi trước nên không có việc đi tắt, đón đầu. Chỉ có nước này đi trước, nước kia đi sau, lĩnh vực này nước này tiên phong, lĩnh vực kia nước khác thế mạnh.

Nước Nhật cuối thế kỉ 19 mới đi học phương Tây về kĩ nghệ công nghiệp. Tiếng Nhật khi đấy vừa phải đặt ra các thuật ngữ đủ loại về kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, kĩ thuật vừa cũng sử dụng luôn cách phiên âm để đáp ứng việc học và tiếp thu văn minh phương Tây. Chỉ trong vòng nửa đầu của thế kỉ 20, đến năm 1940 họ đã là một thế lực thống trị châu Á khi làm được cả máy bay, xe tăng, tàu thuỷ, vũ khí uy lực.

{keywords}
Công nghiệp hoá và tầm nhìn vượt lên nhiệm kỳ (ảnh: BD)

Giai đoạn 1954-1975, ta cũng phát triển công nghiệp y như Trung Quốc. Chỉ có khác là Trung Quốc được Liên Xô giúp sâu rộng hơn, từ bom nguyên tử đến ô tô. Ta thì làm được các máy công cụ, động cơ và một số máy móc khác. Không chỉ chế tạo máy mà các ngành như luyện kim, hoá chất, dệt may và nhiều ngành khác ta cũng đặt nền móng tự làm lấy. 

Giai đoạn 1975-1986, ta tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc tự làm các sản phẩm công nghiệp bằng đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.

Năm 1978, Trung Quốc thực hiện đổi mới. Bản chất của đổi mới là giải phóng sức sản xuất. Mèo trắng mèo đen cứ bắt chuột là được. Mặc dù có lúc họ sai lầm như kế hoạch đại nhảy vọt 1958-1962 với việc toàn dân sản xuất thép hòng đạt gấp đôi sản lượng thép của Anh Quốc (quốc gia quản lý Hồng Kông) thì vẫn là phản ảnh mong muốn tự lực. Sau năm 1978, họ xây dựng các đặc khu mở ra bên ngoài, còn bên trong họ vẫn tự phát triển.

Công nghiệp hoá và tầm nhìn vượt lên nhiệm kỳ
Cần xác định các mục tiêu đặc trưng để được coi là nước công nghiệp hoá

Trở lại với nước ta, cơ cấu khu vực công nghiệp trong GDP cũng chẳng khác các nước bao nhiêu. Một hàng hoá mà người tiêu dùng mua thì giá trị tăng thêm tính cho GDP công nghiệp hay nông nghiệp lại chiếm tỉ trọng nhỏ trong giá bán cuối cùng. Các chi phí như logistics, bán lẻ, bảo hiểm, chi phí tài chính đi vào giá bán lại được tính cho khu vực dịch vụ.

Như vậy, phải xác định các mục tiêu đặc trưng của Việt Nam để được coi là nước CNH. Có thể kể đến như sau:

Thứ nhất là quy mô GDP. Khi GDP tăng thì công nghiệp cũng tăng theo. Giá trị sản xuất công nghiệp càng lớn thì khả năng đáp ứng các hàng hoá công nghiệp càng sâu rộng. Nếu coi Trung Quốc là nước CNH thì hiện tại giá trị công nghiệp tính theo đầu người của họ là 4.000 USD, còn Việt Nam là 1.000 USD. Nếu tăng trưởng công nghiệp của ta đạt 10% năm, thì đến năm 2035 ta đạt xấp xỉ mức của họ bây giờ. Còn nếu tốc độ 6% thì phải đến 2045 mới đạt.

Thứ hai là tỉ trọng DN trong nước đóng góp lĩnh vực công nghiệp. Hiện tại, các DN FDI đóng góp khoảng 20% trong giá trị GDP. Không có số liệu cụ thể về lĩnh vực hoạt động của FDI đóng góp trong GDP. Giả sử 70% GDP của FDI là công nghiệp thì họ đã đóng góp 14% trong 33,7% GDP công nghiệp 2020. 

Mục tiêu cần đặt ra là các DN trong nước phải chiếm ít nhất 65% (2/3) giá trị công nghiệp. Nếu chỉ chú trọng thu hút FDI thì không biết đến khi nào mới đạt mục tiêu này. Ví dụ, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp FDI là 4%, trong nước 8% chẳng hạn.

Thứ ba là khả năng tự sản xuất các ngành công nghiệp cơ bản. Đây là khó khăn lớn nhất trong mục tiêu CNH. Nếu so với Trung Quốc thì xu thế của ta đã gần như đi ngược cách làm của họ. Họ phát triển công nghiệp cơ bản, nền tảng còn ta chạy theo xu hướng gia công.

Một số sản phẩm của ta đi từ ngọn cũng không vấn đề gì, nhưng không thể không có năng lực cơ bản. Ví dụ, các ngành công nghiệp nhẹ như sợi, dệt, da, giày, may mặc, ta giờ cũng chỉ còn gia công là chính. Chưa nói đến các ngành như luyện kim, vật liệu, chế tạo máy móc, điện tử.

Tóm lại, chỉ cần 3 đặc trưng trên của một nước CNH ta cũng sẽ rất khó đạt được nếu không có hoạch định chiến lược cụ thể. Ngay như mục tiêu quy mô công nghiệp đủ lớn thì cũng dường như phải mất 25 năm nữa với một tốc độ có tính hiện thực là 6%/năm. 

Việc tăng năng lực trong nước và giảm tỉ trọng FDI lại ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng công nghiệp để nhanh chóng đạt quy mô. Việc cân đối để ưu tiên phát triển năng lực sản xuất nền tảng lại đòi hỏi nhiều vấn đề về chính sách rất dài hạn mà tư duy nhiệm kỳ không thể xuyên suốt.

Ngô Văn Tuyển

Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao động

Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao động

Hai ngành thâm dụng lao động nhất ở nước ta là dệt may và da giày, nơi tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động, đã trở nên khá tổn thương trước tác động của Covid-19. Đến lúc cần sự thay đổi.