Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ năm 2014, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể, chi tiết theo từng năm; thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư.
Hằng năm, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn đều tham dự các hội nghị, diễn đàn, lễ ký kết, các buổi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài do các bộ, ngành tổ chức để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng, kết nối với các tổ chức nước ngoài; tổ chức hiệu quả các chuyến xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, làm tốt các hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước truyền thống và hướng đến thị trường các nước, khu vực có thế mạnh về khoa học công nghệ như: Hoa Kỳ, Thụy Điển, Italia, Australia….
Đặc biệt xác định doanh nghiệp là động lực cho phát triển, là đối tượng phục vụ, 5 năm qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp; tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp nhằm nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nhờ “mạnh tay” trong cải thiện môi trường đầu tư, đến nay toàn tỉnh có hơn 400 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 6,4 tỷ USD và hơn 10.000 doanh nghiệp DDI, các dự án đầu tư trực tiếp đã đóng góp trên 75% vào giá trị sản xuất công nghiệ; tính riêng năm 2021 thu hút được được 50 dự án mới, trong đó có 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 790 triệu USD và 142 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt gần 1 tỷ USD là năm thu hút đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường đổi mới hoạt động thu hút đầu tư, bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử.
Ngoài ra là các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế và các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục – đào tạo.
Cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, xây dựng nằm chủ yếu trên địa bàn thành phố Phúc Yên và các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Hình thành các trục công nghiệp dọc theo các các tuyến giao thông trọng điểm gồm: Trục công nghiệp dọc theo hành lang các tuyến Quốc lộ 2; trục công nghiệp Bắc – Nam dọc theo hành lang đường 310; trục công nghiệp theo hướng Bắc – Nam dọc theo Quốc lộ 2C và trục công nghiệp gắn với đường cao tốc xuyên Á (Hà Nội – Lào Cai). Kêu gọi các dự án đầu tư công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, sản xuất bao bì xuất khẩu…tại khu vực huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch.
Trong giai đoạn đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, tiếp tục duy trì thị trường các nước truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời mở rộng hoạt động xúc tiến đầu vào các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh…
Đối với công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; khách sạn nhà hàng, khu du lịch, vui chơi giải trí cao cấp; dịch vụ kho vận logistics; khu đô thị mới..; tập trung thu hút các dự án hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, các dự án nhà ở công nhân, chỉ đạo các địa phương tập trung cho công tác bồi thường, GPMB để tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư.
Kim Duyên