Theo các giáo viên từng tham gia “cuộc đua” giáo viên dạy giỏi, áp lực cuộc thi không phải của riêng cá nhân nào, mà là của cả tập thể. Để có một tiết đi dự thi, tất cả các thành viên trong trường đều phải nhất loạt “xung trận”.

“Thi cấp trường là câu chuyện của cả tổ; thi cấp cụm là câu chuyện của cả trường; thi cấp thành phố là câu chuyện của cả một cụm”, cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) khẳng định như thế tại tọa đàm “Đánh giá, công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 6/4.

{keywords}

Cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, trước mỗi hội thi, các thành viên trong trường đều phải nhất loạt “xung trận”. Ảnh: Thuý Nga

“Giáo viên giỏi nên như học sinh giỏi”

Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi. Sửa đổi sẽ chuyển từ hình thức thi sang xét công nhận dựa trên các tiêu chí cốt lõi như thông qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng.

Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm áp lực cho giáo viên.

Là người từng tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi và đạt “thủ khoa” ở bộ môn Hóa học, cô Phạm Thị Vân Anh (Trường THCS Nam Trung Yên) băn khoăn, liệu cách này có thực sự giảm áp lực hay sẽ rơi vào tình trạng “chuyển từ áp lực này sang áp lực khác”?

{keywords}

Cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên Trường THCS Nam Trung Yên. Ảnh: Thuý Nga

Cô cho rằng, Bộ muốn giảm áp lực cho giáo viên bằng cách giảm những kỳ thi. Nhưng nếu chuyển sang hình thức xét công nhận, giáo viên vẫn sẽ phải mất nhiều thời gian chuẩn bị các minh chứng và hồ sơ. Những điều này có thể mất thời gian không khác gì việc chuẩn bị các tiết dạy như trước đây.

Vì vậy theo cô, chỉ nên chọn những tiêu chí cốt lõi thực sự cần thiết để giáo viên không bị “quá tải” trong việc chuẩn bị hồ sơ. Bên cạnh đó, cũng cần có những tiêu chí rõ ràng, cụ thể để giáo viên nhìn vào sẽ biết mình cần phải cố gắng điều gì.

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Thái Bình bày tỏ, cuộc thi giáo viên dạy giỏi những năm gần đây còn nhiều bất cập. Giáo viên đi thi phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Tuy nhiên, sáng kiến kinh nghiệm chỉ cần “gõ Google” sẽ ra rất nhiều.

“Những sáng kiến kinh nghiệm ấy đưa ra không thực tiễn, không áp dụng được vào thực tế nhưng vẫn bắt buộc phải có. Còn thi tiết dạy chủ yếu là… diễn. Cách thức tổ chức này vừa không thực chất, vừa không khích lệ sự sáng tạo của giáo”, ông Đầm nói.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Thái Bình. Ảnh: Thuý Nga

 

Tuy nhiên, theo ông, việc chuyển từ hình thức thi sang xét công nhận giáo viên dạy giỏi cũng sẽ gặp những bất cập.

“Nếu chỉ xét mà không thi, đương nhiên cũng không thúc đẩy được sự đổi mới”.

Do vậy, để xét công nhận những vẫn “không mất phong trào thi đua”, theo ông cần phải có những tiêu chí cụ thể.

“Ví dụ ở cấp trường, thầy cô giáo muốn được xét giáo viên dạy giỏi cần phải có thời gian giảng dạy từ 3 năm trở lên, đồng thời nắm được hết chương trình cấp học và tâm lý học sinh. Ngoài ra, cũng cần phải đạt chuẩn nghề nghiệp từ loại Khá trở lên.

Hay như cấp huyện, để được xem xét giáo viên dạy giỏi cần phải được công nhận 2 năm liên tục ở cấp trường. Ngoài ra, giáo viên cũng cần có một báo cáo chuyên đề. Điều này cũng tương tự đối với cấp tỉnh”.

Cũng theo ông Đầm, thi giáo viên giỏi nên như học sinh giỏi. Không có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi vĩnh viễn mà danh hiệu chỉ nên có giá trị 1 năm. Nếu giáo viên muốn đạt danh hiệu này sẽ phải tiếp tục thi. Như vậy mới có thể tạo ra động lực phấn đấu.

Nên đánh giá giáo viên bằng sự tiến bộ của học trò

Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại cho rằng, việc tổ chức các cuộc thi, hội thi sẽ là cách khích lệ giáo viên sáng tạo. Khi tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, thầy cô có thể nhìn lại quá trình dạy học của mình và có cơ hội áp dụng những điều mới. Khi tham gia như thế, bản thân giáo viên cũng sẽ nhận lại nhiều điều.

Là người có hơn 10 năm tham gia phụ trách cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cô Đào Ngọc Thủy (Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm) cho rằng “nếu không có những áp lực từ các cuộc thi, giáo dục nhà trường sẽ không phát triển".

Đưa ra dẫn chứng cho điều này, cô Thủy cho biết, nếu để giáo viên trong trường tự đăng ký thi giáo viên dạy giỏi, hầu hết các giáo viên lớn tuổi hoặc trung trung tuổi sẽ không đăng ký tham gia.

“Đối với những giáo viên này, càng tham gia ít các cuộc thi họ càng thấy… sướng. Nhưng tôi cho rằng, nếu muốn tiếp cận phương pháp dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh, không thể không cho giáo viên cơ hội thể hiện mình trước hội đồng sư phạm”.

Cô Thủy đồng ý việc chuyển sang xét công nhận. Nhưng theo cô, ở cấp trường vẫn nên để giáo viên tham gia các hội thi và coi đó là tiêu chí bắt buộc khi tham gia giáo viên dạy giỏi cấp trường. Tuy nhiên, hình thức này không nên duy trì ở cấp huyện và cấp thành phố.

“Nếu chỉ đánh giá dựa vào 1 – 2 tiết dạy rất phiến diện và không đầy đủ. Cần phải đánh giá cả một quá trình mà quan trọng nhất là dựa trên sản phẩm đầu ra của giáo dục”, cô Thủy nói.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, mục đích cuối cùng của sự thay đổi từ hình thức thi sang xét công nhận vẫn là làm thế nào để đánh giá giáo viên chính xác và nâng cao chất lượng dạy học, tạo động lực cho giáo viên trong mỗi nhà trường.

{keywords}

Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Thuý Nga

Từng hai lần được công nhận giáo viên dạy giỏi, cô nhận thấy sự tiến bộ về chuyên môn nhiều hơn hẳn áp lực hội thi mang lại.

Cô quan niệm, một giáo viên dạy giỏi phải có tiết dạy thành công, nhận được sự công nhận của hội đồng giáo viên trong trường thông qua hình thức dự giờ và đánh giá. Việc xét danh hiệu này cũng không thể thoát ly ra khỏi những tiết dạy hiệu quả và được đồng nghiệp công nhận.

“Thay vì các trường tạo áp lực cho giáo viên đi thi, nhà trường phải làm thế nào để giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi thực sự trong trường”.

Nếu chuyển sang hình thức xét công nhận, các nhà trường phải chịu trách nhiệm về kết quả này nhiều hơn so với trước kia là chỉ thông qua 1 – 2 giờ dạy, một sáng kiến kinh nghiệm hay một bài thi về mặt chuyên môn.

Ngoài ra, minh chứng để xác định giáo viên có đủ điều kiện được công nhận hay không sẽ thông qua những chỉ số có thể định lượng được. Một trong những minh chứng có thể dễ dàng xem xét là sự tiến bộ của từng học sinh so với kết quả đầu vào.

Cô Thu Anh ủng hộ việc có sự đánh giá học trò. Mặc dù theo cô, những đánh giá này còn mang tính cảm tính, nhưng nó thể hiện rất rõ giờ học đó có thực sự tạo cảm hứng học tập và tạo động lực cho học sinh hay không. Hay đối với sự đánh giá của phụ huynh, cô cho rằng cha mẹ cũng có thể tham gia vào việc đánh giá được thầy cô tạo động lực và sự tiến bộ của con em họ trong toàn bộ quá trình học.

“Giáo viên có thể minh chứng rõ ràng qua những chỉ số định lượng ấy và không cần thông qua hồ sơ nữa”.

Cô cũng cho rằng, dù xét hay thi, điều quan trọng nhất vẫn là cách thức triển khai.

“Áp lực hay không áp lực là ở phía người làm. Có thể thi đang là áp lực bởi có nhiều thứ quá hình thức. Nhưng nếu không cẩn thận, việc xét công nhận cũng có thể là áp lực vì giáo viên sẽ phải làm quá nhiều hồ sơ”.

Thúy Nga

Cháu tôi sáng ý, thỉnh thoảng được "mượn" vào lớp thi giáo viên giỏi...

Cháu tôi sáng ý, thỉnh thoảng được "mượn" vào lớp thi giáo viên giỏi...

Thi giáo viên giỏi, chuyện dài nhiều tập âm ỉ theo thời gian cùng ngành giáo dục, bỗng trở nên rôm rả, được dư luận quan tâm như chưa từng được biết.