Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; đẩy mạnh giảm nghèo ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một trong các dự án thành phần được đặt ra trong Kế hoạch là Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Dự án này bao gồm 2 tiểu dự án.

Trong đó, tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn đề ra mục tiêu: Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập thấp, gắn hỗ trợ đào tạo nghề với hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo việc làm, hình thành và phát triển sinh kế bền vững, tạo điều kiện tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo, tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đối tượng hướng đến là: Người học nghề, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nội dung hỗ trợ bao gồm: Khảo sát, thống kê, dự báo, nắm bắt nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp; Đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Quan tâm công tác dạy nghề 

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm, chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ chủ động tham gia chương trình dạy nghề cho thanh niên nông thôn.

Đặc biệt, công tác dạy nghề phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ, lao động nữ bị mất việc làm,... tham gia học nghề.

Kết quả 10 năm triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, giai đoạn 2011 – 2020, các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đã tổ chức đào tạo nghề cho 28.179 thanh niên nông thôn, tạo việc làm mới cho 25.980 người.

Hàng năm, các trường, các Trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện xây dựng kế hoạch dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá những mặt làm được, chưa được để rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn cho những năm tiếp theo.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với hơn 83% dân số ở nông thôn. Tỉnh đã chỉ đạo đưa nội dung, chương trình đào tạo nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triền kinh tế - xã hội của tỉnh như: chương trình khuyến nông, các dự án phát triển vùng sản xuất chuyên canh, trồng lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng mô hình sản xuất VAC,... và phục vụ cho các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Các lớp dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trung tâm chủ yếu các lớp có thời gian học dưới 03 tháng. Đến nay, có 12.672 nông dân được tạo nhóm ngành nghề chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề chủ lực phục vụ phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Tỉnh đã xây dựng được các mô hình, điển hình trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả. Nhìn chung, qua đào tạo nghề, người nông dân đã từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học, những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công tác đào tạo nghề có vai trò rất quan trọng đối với các địa phương. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp còn chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở đào tạo nghề chủ động, tích cực phối hợp khảo sát nhu cầu, tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, mở lớp đào tạo nghề, nhất là các lớp đào tạo nghề phù hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phổ biến các chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn ở các xã tìm được việc làm phù hợp, ổn định sau học nghề đạt trên 94% tổng số lao động được đào tạo; thực hiện đạt tiêu chí số 12 (tỷ lệ lao động có việc làm) và tiêu chí 14.4 (tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo) trong xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, góp phần đưa 66/87 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,86%, có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 24,13%; có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài toán đặt ra cho mọi địa phương

Tỉnh Vĩnh Long nhìn nhận, đạt được những kết quả nêu trên là do nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được nâng lên; lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ dạy nghề, giải quyết việc làm, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương; tích cực, kịp thời triển khai, quán triệt, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: công tác đào tạo nghề chưa thật sự gắn kết nhu cầu đào tạo việc làm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, tham gia vào quá trình đào tạo nghề - giải quyết việc làm sau đào tạo nghề; ngành nghề, số lượng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ còn ít; Một bộ phận lao động nông thôn chưa tích cực tham gia học nghề và tìm việc làm,...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó, tỉnh xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động; thực hiện các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm về trình độ năng lực, sức khỏe, nhu cầu việc làm của người lao động,...

Có thể nói đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Xét riêng với công tác xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. Nhiều ý kiến đánh giá để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. 

Giải quyết tốt công tác đào tạo nghề để thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả mạnh mẽ và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là bài toán khó đặt ra không chỉ với Vĩnh Long mà với tất cả các địa phương trên cả nước.

Ngọc Châu