Một học giả Hàn Quốc cảnh báo: Trung Quốc sẽ "tranh thủ", "tận dụng" lúc các nước lớn và cũng là đối thủ cạnh tranh đang bận rộn với Crưm để "ra tay".

Xem bài 1: Nga đủ khôn ngoan để không tiến ra ngoài Crưm

Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraina thuộc Liên Xô trước kia là mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Liệu sự kiện Crưm gây chấn động thế giới, tác động lớn đến nền kinh tế - thương mại và chính trị toàn cầu có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không? Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Dung.

Việt Nam có bị ảnh hưởng từ sự kiện Crưm?

Trong cuộc chơi của "các ông lớn" thường gây đảo lộn đến trật tự thế giới, các nước nhỏ khó tránh được tác động và rủi ro. Theo bà, Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?

Ngay từ đầu không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác đã lo lắng vì chắc chắn bị ảnh hưởng.

Về kinh tế - thương mại, sự kiện Crưm khiến cho nhiều nước châu Âu khó xử vì lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

Ở châu Á, Việt Nam, liên bang Nga và Ukraina là mối quan hệ truyền thống từ lâu. Trước kia trong khuôn khổ khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế) mang tính bao cấp nhiều hơn. Từ năm 2000 đến nay quan hệ thương mại 2 bên đã thay đổi hoàn toàn. Việt Nam đã đa phương hóa quan hệ với nhiều nước. Mối quan hệ song phương với Nga và Ukraina gặp nhiều khó khăn. Việt Nam và Nga chưa bổ sung cho nhau ngoài lĩnh vực quốc phòng.

Tuy nhiên, nếu như cả thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực thì Việt Nam cũng khó đứng ngoài làn sóng đó. Nhưng tôi và nhiều người lo ngại là vấn đề lớn hơn. Nhất là vấn đề địa chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ ngắn hạn mà lâu dài, không chỉ kinh tế - thương mại mà trật tự khu vực này.

{keywords}
Người dân Ukraina tuần hành bày tỏ sự ủng hộ Nga tại thủ phủ Simferopol, bán đảo Crimea ngày 9/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

"Ngư ông đắc lợi"

Bà có thể phân tích cụ thể hơn?

Trung Quốc là bậc thầy về tranh thủ thời cơ! Tôi còn nhớ hồi ấy Mao Trạch Đông có câu "Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị". Không phải ngẫu nhiên mà khi sự kiện Crưm nổ ra, nhiều chuyên gia Mỹ và châu Á lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải ở châu Âu hay Đông Âu.

Một học giả Mỹ đã lên tiếng với chính quyền Obama đừng quá chú tâm và tập trung và Crưm. Hãy quay trở lại chính sách xoay trục sang châu Á. Một học giả Hàn Quốc cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ "tranh thủ", "tận dụng" lúc các nước lớn và cũng là đối thủ cạnh tranh đang bận rộn với Crưm để "ra tay".

Chúng ta nên nhớ những hành động "ra tay" của Trung Quốc đều rơi vào thời điểm "loạn" như thế này. Năm 1962, cả thế giới nín thở vì khủng hoảng ở Cu Ba. Mỹ và Liên Xô suýt choảng nhau. Vũ khí hạt nhân đã đưa ra. Lập tức Trung Quốc xuất quân đánh Ấn Độ. Cả Liên Xô và Mỹ đều ủng hộ Ấn Độ nhưng không kịp trở tay.

Năm 1972, sau ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ, Trung Quốc ra tay chiếm Hoàng Sa vào năm 1974.

Năm 1988, dư luận quốc tế đang quan tâm giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam chuẩn bị rút quân, Liên Xô đang ngập trong khủng hoảng, buộc thoái lui khỏi Afghanistan thì Trung Quốc ra tay xâm chiếm một số đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam...  Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô lúc ấy đang có mặt ở Cam Ranh nhưng không thể giúp Việt Nam giữ được đảo. 64 chiến sĩ đã hy sinh.

Nếu xét thêm trong lịch sử thì có vô số dẫn chứng nữa.

Đó là một thực tế mà các chuyên gia quốc tế, các nhà quan sát đã có nhiều nhận định cảnh báo.

Sự kiện Crưm đang khiến cho các đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc là Nga, Mỹ và EU đang lo đối phó với nhau, chẳng còn hơi sức đâu quan tâm tới những chuyện khác. Chính đây là thời cơ thuận lợi nhất cho những toan tính của Trung Quốc. Hơn ai hết Trung Quốc biết rõ điều này và đã nhiều lần áp dụng khá thành công.

Dường như cả Nga, Mỹ và EU lúc này đều đang cần Trung Quốc?

Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ và cảnh giác. Nga vì chống đỡ áp lực của phương Tây và Mỹ, đang tranh thủ Trung Quốc. Dù Trung Quốc bỏ phiếu trắng nhưng Nga vẫn cảm ơn đấy. Mỹ cũng muốn tranh thủ Trung Quốc để bao vây Nga nhưng Trung Quốc đã chọn con bài "bắt cá 2 tay" một cách khôn khéo.

Điều đáng cảnh giác nhất là các nước lớn thường "bắt tay nhau" một cách kín đáo. Chẳng hạn cái bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc năm 1972. Mỹ đã bỏ rơi Sài Gòn, bỏ mặc Hoàng Sa của đồng minh Việt Nam cộng hòa.

Tương tự, qua một số thông tin gần đây, Nga đã thông báo nếu bị cấm vận sẽ chuyển qua hợp tác với Trung Quốc, buôn bán với Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ mềm mại hơn với Trung Quốc để "tranh thủ". Như vậy khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bớt đối thủ của Trung Quốc.

Việt Nam cần phải có biện pháp gì để không bị ảnh hưởng? Hoặc chí ít cũng giảm được thiết hại nếu xảy đến?

Sự kiện Crưm là cơn chấn động địa chính trị lớn nhất trong đầu thế kỷ 21. Có người còn lo lắng, so sánh với ngòi nổ của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra ở một nước nhỏ bé vùng Bankan. Nhưng tôi cho rằng, còn quá sớm để so sánh như vậy, song cũng không thể xem là nhẹ.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác muốn không bị "hút" vào vòng xoáy khủng hoảng cần phải vững mạnh về kinh tế - chính trị - xã hội. Nếu chúng ta yếu chúng ta sẽ bị nuốt chửng vào tham vọng của cường quốc khác trong cuộc đua quyền lực mà nhiều khi nước nhỏ hơn bị trở thành nạn nhân.

Việt Nam có thuận lợi là án ngữ vị trí tối quan trọng ở biển Đông. Nhưng đây cũng là nguy cơ khiến bị tranh giành.

Ngoài ra, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên khôn ngoan vì lợi ích dân tộc, tranh thủ những cơ hội quốc tế. Cơ hội không chỉ có vào thời thái bình mà lúc loạn lạc, chiến tranh cũng có chỗ để chúng ta tận dụng, tham gia.

Tại sao chúng ta không nghĩ đến khi Mỹ, EU và Nga vờn nhau, ra tay trừng phạt nhau thì sẽ có khoảng trống để chúng ta tham gia? Nhất là tận dụng cơ hội thương mại - kinh tế?

Nói chung, chúng ta cần có bản lĩnh để đối phó, xử lý các bất trắc, rủi ro. Nhưng cũng phải biết nắm bắt cơ hội, tạo cơ hội. Thế giới này theo quy luật sẽ vận động chứ không đứng yên. Những cuộc chơi đã diễn ra sẽ còn tiếp diễn nữa.

Xin cảm ơn bà!

Duy Chiến (Thực hiện)