Hãng tin RIA Novosti của Nga cho hay Quốc hội Cộng hòa Tự trị Crưm hôm qua đã tuyên bố độc lập ngay trước kỳ trưng cầu dân ý sáp nhập với Nga. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Một người phụ nữ đi ngang qua áp phích tuyên truyền bỏ phiếu sáp nhập liên bang Nga tại Crưm. Ảnh: RIA

Tuyên bố trên dường như để củng cố nền tảng pháp lý cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 tới đây. Chính quyền trung ương Kiev tuyên bố việc bỏ phiếu này là vi hiến. 

Một đại biểu của Quốc hội Crưm cho biết 78/100 đại biểu bỏ phiếu tuyên bố độc lập. 

Quốc hội Crưm nói rằng tuyên bố độc lập này là hành động phù hợp với luật quốc tế, và dẫn ra quyết định năm 2010 của Tòa án Công lý Quốc tế xác nhận Kosovo có quyền tuyên bố độc lập khỏi Serbia. 

Tuyên bố năm 2010 đã khiến nhiều lãnh đạo thế giới phản ứng, trong đó quan chức Nga nói rằng độc lập của Kosovo có nguy cơ làm suy yếu luật quốc tế. 

Về tuyên bố độc lập của Crưm, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng điều này ‘hoàn toàn hợp pháp’ và Nga sẽ tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm. 

Trong khi đó, Guardian đưa tin Liên minh châu Âu (EU) ra điều kiện với Nga phải đàm phán với Ukraina hoặc là đối mặt với trừng phạt - trong đó có đóng băng tài sản, cấm đi lại với các quan chức chính phủ và quân đội Nga ngay sau khi Crưm bỏ phiếu. 

Quốc hội Ukraina cũng dọa giải tán Quốc hội Crưm nếu như cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật tuần này không bị hủy. 

Trong một diễn biến liên quan, các quan chức ngoại giao Mỹ và Nga đã thảo luận các biện pháp giải quyết khủng hoảng chính trị tại Ukraina. 

Ngoại trưởng John Kerry đã thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, nhưng không có thông tin về thỏa thuận nào đã đạt được sau cuộc điện đàm. 

 {keywords}
Crưm thành lập quân đội riêng. Lực lượng tự vệ này sẽ tham gia bảo vệ cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới. Ảnh: Reuters

Song song với sức ép chính trị, NATO và Nga đang gia tăng thêm căng thẳng khi cùng tập trận sát ngày trưng cầu dân ý. NATO tập trận phòng không tại Ba Lan, sát biên giới Ukraina. Còn các lính dù tại miền trung Nga tập trận với quy mô lớn để 'sẵn sàng' chiến đấu trong tình huống giả định.

Bên cạnh đó, Truyền hình Nga đưa tin Bộ Ngoại giao Nga tố cáo việc Mỹ viện trợ cho chính quyền lâm thời Kiev là ‘phạm pháp’. 

Moscow nói rằng việc Washington quyết định chi 1 tỉ USD viện trợ tài chính cho chính quyền Kiev đã đi ngược lại luật pháp của chính Hoa Kỳ.  

Luật Hỗ trợ nước ngoài năm 1961 của Mỹ cấm việc hỗ trợ tài chính cho chính quyền của bất kỳ quốc gia nào mà Tổng thống bầu nên hợp pháp của họ bị lật đổ sau đảo chính quân sự hoặc do quyết định bất hợp pháp.  

Dẫn ra luật này, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Mọi tiêu chuẩn cho thấy việc cung cấp tài chính cho một chính quyền không hợp pháp thâu tóm quyền lực bằng bạo lực là bất hợp pháp và vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống pháp luật Mỹ”.

Nhắc lại quan điểm này, Tổng thống bị truất quyền của Ukraina là ông Victor Yanukovic nói rằng đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hỗ trợ 1 tỉ USD cho chính quyền lâm thời tại Kiev là không hợp pháp.

Trong lần xuất hiện bất ngờ vào hôm qua, ông Yanukovich nói rằng ông sẽ kiến nghị lên Quốc hội Mỹ và Tòa án Tối cao để có phán quyết pháp lý về việc này.

“Theo đúng luật [của Mỹ] thì các vị không có quyền cung cấp tài chính cho kẻ cướp” – ông Yanukovich nói.

Hôm 5/3, EU cũng đề xuất 11 tỉ Euro, tương đương 15 tỉ USD cho chính quyền lâm thời Ukraian. Ước tính, Kiev phải cần tới 3-4 tỉ Euro để trang trải cho kỳ bầu cử tháng Năm tới.

Lê Thu