Nhìn từ khủng hoảng Ukraina, một vấn đề rất quan trọng không thể bỏ qua chính là tình trạng coi thường luật quốc tế ngày càng phổ biến những năm gần đây.
>> Sau Crưm, vùng đất nào sẽ vào 'tầm ngắm'?
>> Nga bị trừng phạt, Trung Quốc sẽ 'ngư ông đắc lợi'
>> Thực sự người Mỹ nghĩ gì về Crưm?
>> 'Kẽ hở' trong lập luận của Nga
>> Ukraina: Tên đất nước là 'điềm báo' bi kịch?
Năm 1994, Ukraina đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ thừa hưởng từ Liên Xô. Đổi lại, Kiev nhận được cam kết chính thức của Mỹ, Anh và Nga bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Sự kiện Crưm không chỉ gây phương hại tới Ukraina, mà còn làm suy yếu khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm ngăn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trừ khi Nga thay đổi chiều hướng (mà điều này khó có thể sớm diễn ra), còn không, hậu quả trên toàn cầu có thể sẽ rất nghiêm trọng. Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt, làm nền kinh tế Nga và thế giới cùng suy yếu, thậm chí khiến cho căng thẳng và chủ nghĩa dân tộc thêm cực đoan.
Những sai lầm từ bất cứ bên nào đều có thể dẫn tới thảm họa bạo lực. Chúng ta cần nhớ lại những sai lầm chồng chất từng dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ nhất, cách đây đúng 100 năm, thế nào.
Tình trạng coi thường ngày càng phổ biến
Nhìn từ khủng hoảng Ukraina, một vấn đề rất quan trọng không thể bỏ qua chính là tình trạng coi thường luật quốc tế ngày càng phổ biến những năm gần đây. Mỗi lần vi phạm như vậy đều làm xói mòn khuôn khổ luật pháp quốc tế vốn đã mong manh, và có nguy cơ đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến hỗn loạn khi các bên quay ra chống lại nhau.
Mỹ và đồng minh đã khởi động một loạt can thiệp quân sự trong những năm gần đây, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và không hề được Hội đồng Bảo an tán đồng. NATO do Mỹ dẫn đầu đã ném bom Serbia năm 1999 mà không có trừng phạt nào của luật quốc tế, và bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Nga - đồng minh của Serbia. Kosovo sau đó tách khỏi Serbia, tuyên bố độc lập với sự thừa nhận của Mỹ và hầu khắp các thành viên EU. Đây là tiền lệ mà Nga rất muốn dẫn ra để biện minh cho hành động của mình tại Crưm.
Người dân Crưm tấn công trụ sở hải quân Ukraina ở Sevastopol. Ảnh: News.com.au |
Cuộc chiến Kosovo nối tiếp các cuộc chiến do Mỹ cầm đầu tại Afghanistan và Iraq, tất cả đều diễn ra mà không có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, và trong trường hợp của Iraq, chiến tranh nổ ra bất chấp những phản đối dữ dội bên trong cơ quan này. Kết cục cho cả Afghanistan và Iraq đều quá tàn khốc.
Việc NATO can thiệp vào Libya năm 2011 nhằm lật đổ Muammar el-Qaddafi cũng lại là một sự vi phạm luật quốc tế. Sau khi Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết thiết lập vùng cấm bay và tiến hành các biện pháp có vẻ nhằm bảo vệ thường dân Libya, NATO đã lấy nghị quyết này làm cái cớ để đánh sập hoàn toàn chính quyền Qaddafi sau các loạt dội bom.
Khi đó, Nga và Trung Quốc cực lực phản đối, tuyên bố rằng NATO đã vượt quá thẩm quyền cho phép nghiêm trọng. Cho tới nay, Libya vẫn bất ổn và đầy bạo lực mà không có một chính quyền quốc gia nào hiệu quả.
Như Nga đã chỉ ra nhiều lần, những hành động của Mỹ tại Syria cũng bất hợp pháp như vậy. Khi các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả-rập nổ ra vào đầu năm 2011, những cuộc tuần hành hòa bình tại Syria đòi hỏi chính quyền cải cách. Tổng thống Bashar al-Assad đã trấn áp những người biểu tình bằng vũ lực, khiến một số đơn vị vũ trang nổi dậy. Vào thời điểm đó, mùa hè năm 2011, Mỹ bắt đầu hậu thuẫn cho quân nổi dậy, với việc Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông Assad phải "đứng sang một bên".
Sau đó, Mỹ, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đã hỗ trợ quân sự, tài chính, hậu cần cho lực lượng nổi dậy, vi phạm chủ quyền Syria cũng như luật quốc tế. Ai cũng rõ chính quyền Assad hành xử tàn bạo, nhưng mọi người cũng biết việc hậu thuẫn do Mỹ cầm đầu đã vi phạm chủ quyền của Syria.
Ai cũng có thể chỉ ra rất nhiều hành động khác của Mỹ (vi phạm luật quốc tế), bao gồm cả việc không kích bằng máy bay không người lái trên vùng đất của các nhà nước có chủ quyền mà không được chính phủ đó cho phép; các chiến dịch quân sự lén lút, tra tấn các nghi phạm khủng bố, và nghe lén (do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ thực hiện). Khi bị các quốc gia khác hoặc các tổ chức của LHQ phản đối, Mỹ đã gạt phắt các lời phàn nàn đó sang một bên.
Bệ đỡ luật quốc tế
Bản thân luật quốc tế đang ở vào thời điểm bước ngoặt quyết định. Mỹ, Nga và EU, NATO đã viện dẫn tới luật khi cần có lợi cho mình, nhưng lại coi nhẹ nó khi thấy rầy rà. Nhận định này không phải nhằm bào chữa cho những gì Nga đã làm, mà đúng hơn là để quy chiếu việc làm đó vào chuỗi hành động vừa qua.
Vấn đề tương tự có thể sẽ sớm lan tới châu Á. Gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản, các quốc gia châu Á khác đã ủng hộ yêu cầu Hội đồng bảo an thông qua việc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào quốc gia có chủ quyền.
Từ lâu, nhiều người vẫn hoài nghi vai trò của luật quốc tế, cho rằng luật không bao giờ có thể thắng thế so với lợi ích quốc gia của các cường quốc, và việc duy trì quyền lực giữa những đối thủ cạnh tranh là tất cả những gì có thể làm để gìn giữ hòa bình. Từ quan điểm này, những hành động tại Crưm chỉ đơn giản là hành động của một cường quốc đang xác lập các đặc quyền của mình.
Tuy nhiên, một thế giới như vậy lại vô cùng nguy hiểm. Qua nhiều kinh nghiệm, chúng ta có thể rút ra một điều rằng trên đời chẳng có cái gì gọi là "cân bằng quyền lực" thực sự. Quyền lực luôn thay đổi theo hướng không cân bằng và bất ổn. Nếu không có luật pháp làm bệ đỡ, xung đột hoàn toàn có thể nổ ra.
Điều này đặc biệt đúng vào lúc này, khi một số quốc gia chen chân nhau vì dầu lửa và các nguồn tài nguyên sống còn khác. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các cuộc chiến khốc liệt những năm gần đây lại xảy ra ở các khu vực giàu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Khi nhìn lại Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa tròn một thế kỷ, chúng ta thấy rằng con đường duy nhất dẫn tới an ninh chính là luật quốc tế, do LHQ gìn giữ và các bên cùng tôn trọng.
Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina, Hội đồng Bảo an LHQ nên giúp tìm ra một giải pháp được bàn thảo sao cho đảm bảo được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Điều này có thể không sớm đạt được, nhưng LHQ nên kiên trì, tìm kiếm một bước đột phá. Và, vì Mỹ đã quay sang Hội đồng Bảo an trong tình huống này, nên bản thân họ cũng nên có trách nhiệm với luật quốc tế, giúp xây dựng nên một bệ đỡ vững chắc chống lại tình trạng bất ổn nguy hiểm trên toàn cầu.
Lê Thu (theo Project Syndicate)