Từ hôm nay (5/8), theo Thông tư 65, CSGT được dựa vào thông tin, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nhiều người quan tâm khi hình ảnh trên mạng bị chỉnh sửa hoặc cắt ghép sẽ được CSGT xử lý như thế nào?
Sẽ xử lý các trường hợp cắt ghép, dàn dựng sai thông tin
Theo Thông tư 65, các nguồn tin CSGT có thể dùng làm căn cứ xác minh, xử phạt gồm hình ảnh, thông tin do các tổ chức, cá nhân ghi thu bằng các phương tiện kỹ thuật (không phải kỹ thuật nghiệp vụ), các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. So với quy định trước đây, Thông tư 65 đã bổ sung thêm nguồn tin từ phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ.
Trao đổi với Zing, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội đánh giá Thông tư 65/2020 ra đời là hành lang pháp lý để lực lượng CSGT có thể sử dụng những hình ảnh trên mạng xã hội, được người dân cung cấp làm cơ sở để xác minh, xử lý vi phạm.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang. |
Cụ thể đối với Phòng CSGT Công an Hà Nội, trước ngày Thông tư 65 có hiệu lực, Ban giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo xây dựng trang tương tác của người dân đối với lực lượng CSGT. Qua đó, CSGT đã nhận được nhiều hình ảnh, clip đồng thời triển khai thí điểm xử lý một số hành vi gây nguy cơ cao dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như: Lạng lách, đánh võng; đi vào làn đường, phần đường sai quy định…
“Tuy nhiên khi Thông tư 65/2020 có hiệu lực thì lực lượng CSGT sẽ có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn về việc xử phạt qua nguồn tin này”, thiếu tá Long nói.
Một trường hợp bốc đầu xe máy được đăng tải trên mạng xã hội được xử lý vào giữa tháng 5. Ảnh: Công an cung cấp. |
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí, cá nhân đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin sự việc.
Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận, đăng tải hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan công an sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
“Trước đây chúng tôi đã phát hiện có trường hợp dàn dựng, cắt ghép clip với động cơ khác. Cơ quan điều tra sau đó đã xử lý các trường hợp này”, ông Long cho biết.
Đơn vị CSGT cấp huyện trở lên có nhiệm vụ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin được người dân cung cấp. Ảnh minh họa: H.Q. |
Ngoài ra, Thông tư 65 cũng yêu cầu đơn vị CSGT cấp huyện trở lên có nhiệm vụ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm và phải đảm bảo bí mật họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của nguồn tin.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội, tình trạng phương tiện vi phạm có biển số không do cơ quan có thẩm quyết cấp hoặc xe chưa sang tên đổi chủ là vấn đề nhức nhối, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác minh và xử lý vi phạm qua hình ảnh.
"Có trường hợp khi chúng tôi tiếp nhận hình ảnh vi phạm, khi kiểm tra biển số xe thì không đúng với phương tiện đó, gây khó khăn cho việc xử phạt", lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết.
Tăng cường kế hoạch xử lý đua xe trái phép
Trước tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, chạy quá tốc độ quy định đang có xu hướng gia tăng, thiếu tá Đào Việt Long cho biết Phòng CSGT Công an Hà Nội đã xây dựng kế hoạch số 209 về việc xử lý qua hình ảnh. Một trong những hành vi được đơn vị này tập trung xử lý qua hình ảnh đó là việc người điều khiển xe môtô chạy quá tốc độ quy định trong đô thị.
Theo ông Long, lực lượng CSGT sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng CSHS, CSCĐ đấu tranh triệt để với các trường hợp này bằng các phương án như bố trí chiến sĩ cắm chốt, khép kín địa bàn và khép kín những khung giờ cao điểm về nạn đua xe.
Hiện trường một vụ TNGT do một nhóm thanh niên lạng lách, đua xe gây ra khiến 1 người tử vong trên phố Lê Duẩn. Ảnh: V.T. |
Ngoài ra, khi màn hình tại trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông phát hiện các trường hợp lạng lách, đánh võng trên đường hoặc nhận được hình ảnh, tin báo của người dân thì cán bộ trực sẽ điện đàm ngay cho các chốt CSGT gần nhất tiến hành ngăn chặn.
“Biện pháp xử lý sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo an toàn, tính mạng cho người tham gia giao thông trên đường. Thứ 2 là ngăn chặn, bắt giữ các trường hợp đua xe trái phép để xử lý theo quy định” thiếu tá Long nói thêm.
Theo zingnews
Cư dân mạng với muôn kiểu lách luật để “báo chốt” 141 và CSGT trên Facebook
Thay vì thông báo địa điểm một cách cụ thể, nhiều cư dân mạng đã sử dụng “mật mã” hay làm thơ… để báo những địa điểm mà tổ tuần tra 141 và CSGT đang làm nhiệm vụ, nhằm qua mặt cơ quan chức năng.