"Chiều hôm nọ, sau giờ làm hai chị em Trâm ra trước công ty đón xe ôm về nhà. Sau khi có xe thì phát hiện là một tài xế lớn tuổi mà lại đang ở xa công ty quá, trời thì lại mưa lâm râm nên chị em Trâm định hủy chuyến (phần vì ở xa quá mà xe lại đang đứng yên một chỗ không thấy báo di chuyển, cũng không thấy tài xế gọi báo).
Vừa định hủy thì điện thoại reo, giọng người phụ nữ lớn tuổi: "Cô ơi! Cô đợi tui chút nha, tui đang kẹt xe quá!"
Nghe vậy cả hai quyết định đứng lại đợi. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua, trên app hiện chiếc xe chạy mỗi lúc một xa vì cô tài xế thấy đường Võ Văn Tần một chiều nên chạy ra tận đầu đường. Cũng khá trễ nên Trâm tính đặt một chuyến khác cho em về trước, còn mình thì đứng lại đợi cô, nhưng thật may là cô đến vừa đúng lúc"
Câu chuyện ngắn của Trâm về nữ xe ôm lớn tuổi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ các bạn trẻ, ai nấy cũng cảm phục nghị lực của nữ tài xế và tò mò không biết vì lý do gì mà ở tuổi này cụ vẫn phải bươn chải nắng mưa mưu sinh mỗi ngày.
Cụ bà 73 tuổi ở Sài Gòn chạy xe ôm nuôi cháu.
Trẻ đạp xích lô nuôi con, về già chạy xe ôm nuôi cháu
Khuất sâu trong một con hẻm nhỏ ở quận 4 (TP.HCM), căn phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp của hai bà cháu cụ Võ Thị Thu Nguyệt luôn thiếu ánh sáng, thừa tiếng chuột kêu. Đến xóm trọ hỏi về người phụ nữ lớn tuổi chạy xe ôm thì hầu như người nào cũng biết.
"Thương lắm, có hai bà cháu sống với nhau thôi, nên ngày nào bà cụ cũng đi chạy xe ôm để nuôi cháu" - một người hàng xóm chia sẻ.
Căn phòng trọ chật hẹp chỉ vừa để hai bà cháu nằm ngủ.
Ở cái tuổi 73 nhưng cụ Nguyệt trông vẫn cứng cáp hơn nhiều ông cụ bà cụ cùng tuổi với cụ, có lẽ những nhọc nhằn gió sương càng khiến người phụ nữ ấy trở nên mạnh mẽ hơn. "Chồng tui mất tích trước năm 1975, từ đó đến nay không còn có tin tức gì về ông ấy nữa. Cậu à, tui hiểu chồng tui lắm, nếu còn sống thì bằng giá nào ổng cũng tìm về với gia đình, nhưng chắc là..." - cụ Nguyệt nói đoạn rồi bỏ lửng.
Cũng từ ngày đó cụ theo nghề chạy xích lô, không quản cực khổ để kiếm tiền chăm lo cho con trai. Những năm sau này con trai lớn lên đỡ đần cho mẹ khá nhiều trong cuộc sống, nhưng không may sau đó anh phát hiện có khối u trong não. Cụ Nguyệt buồn rầu nhớ lại: "Tui quyết định bán nhà để chữa chạy cho con. Dù đánh đổi bao nhiêu cũng chấp nhận. Người tính không bằng trời tính, nó mất, để lại thằng cháu nhỏ, từ đó chỉ còn 2 bà cháu sống với nhau. Tui chạy xe ôm nuôi cháu, lay lắt từ phòng trọ này sang phòng trọ khác".
Từ ngày không đủ sức khoẻ chạy xích lô, cụ chuyển sang chạy xe ôm.
Mỉm cười với cuộc đời
Thời gian gần đây cụ Nguyệt được mọi người hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh để chạy xe ôm công nghệ. Cụ cười bảo: "Tui đâu có biết gì đâu, người ta bày quẹt qua bên này để nhận khách, quẹt qua bên kia để kết thúc chuyến đi, thì tui biết vậy thôi. Nhiều khi mình lớn tuổi rồi bị chậm, nhưng bà con thương nên không ai rầy hết cậu à".
Công việc tuy có vất vả nhưng cụ vẫn vui vẻ.
Giữa căn phòng ảm đạm lấp đầy mùi mối mọt nụ cười (dẫu nhợt nhạt) của cụ Nguyệt như thứ ánh sáng hiếm hoi thắp lên hy vọng cho hai bà cháu. Sự lạc quan có lẽ là điều đáng quý nhất ở người phụ nữ này. Và cũng nhờ nó mà cụ đủ dũng cảm để một mình vượt qua sóng gió cuộc đời.
"Nhiều khi tui buồn tủi lắm chớ cậu, tuổi này rồi vẫn chạy xe đêm hôm, nhiều bữa dính mưa về bệnh nằm lã người. Nhưng mà tui nghĩ mình còn có chỗ ở, còn có cơm ăn, vẫn đủ sức khoẻ để chạy xe kiếm tiền, vậy là may mắn hơn nhiều người lắm đó cậu. Nghĩ vậy nên tui không buồn nữa" - cụ mỉm cười, hiền hậu và chân chất.
Tôi từng nghĩ cụ Nguyệt sẽ oán trách cuộc đời lắm vì hết lần này đến lần khác cướp đi những người mà cụ yêu thương nhất. Nhưng rồi cụ chấp nhận tất cả, thoả hiệp với bất công của cuộc đời để đổi lại sự bình an. Đời cứ suy nghĩ đơn giản vậy mà hay.
Nội già rồi
Có lẽ điều lo lắng lớn nhất với cụ Nguyệt thời điểm này là cậu cháu. Thằng Nghĩa năm nay đã 14 tuổi nhưng vẫn còn con nít, chưa biết đỡ đần phụ bà nội. Cụ Nguyệt tâm sự: "Mấy lần tui nói chuyện với nó, tui nói là nội không có điều kiện để lo cho con một cuộc sống đầy đủ như người ta, nhưng nội luôn ráng cho con cái chữ, phải ráng mà học. Nói vậy mà nó vẫn không thích đi học cậu à".
Nghĩa - cháu nội của cụ Nguyệt vẫn còn khờ dại.
"Nó còn nhỏ, chưa hiểu được hết cuộc đời này, tui thì chẳng còn nhiều thời gian, mấy năm nay thấy người yếu đi nhiều, không biết còn chạy xe ôm được bao lâu nữa" - cụ Nguyệt nói, nửa trách móc nửa suy tư.
Tuổi tác, bệnh tật bủa vây khiến sức khoẻ cụ yếu đi nhiều.
Tôi hỏi thằng Nghĩa: "Em có từng nghĩ đến chuyện đi làm để phụ nội không?". Nó gật đầu: "Em cũng muốn đi làm thêm phụ nội, nhưng không biết phải làm gì?"
Tôi có chút giận khi nghe câu trả lời của Nghĩa, nhưng nhìn nó khờ khạo cũng chẳng biết phải trách ra sao. Nội vẫn thương nó vô điều kiện. Còn nó, tôi sợ rằng đến khi nhận ra tình yêu thương ấy thì đã quá muộn màng.
Nội đã già rồi, Nghĩa à!