- Dù thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới, song gần đây vẫn có không ít người mắc bẫy, dễ dàng chuyển tài sản mà cả đời mình làm ăn, tích cóp với số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho bọn tội phạm chỉ với một cuộc điện thoại.
Nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại với phương thức tinh vi
Bằng những thủ đoạn, màn kịch tinh vi, các đối tượng đã dựng lên cả một màn kịch ly kỳ vừa dọa dẫm vừa đánh vào tâm lý lo sợ của nạn nhân để dễ dàng lừa những “con mồi” cả tin.
Một trong những chiêu thức mà bọn tội phạm hay sử dụng là dựng lên màn kịch “nợ tiền cước” để hù dọa "con mồi". Nạn nhân mới nhất của kiểu lừa đảo này là bà V.T.K.D (SN 1939, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM).
Ngày 9/12, bà D. nhận được điện thoại bàn nói bà nợ số tiền cước điện thoại gần 9 triệu, rồi nói bà D liên quan đến hoạt động rửa tiền của một đường dây tội phạm và hướng dẫn bà nếu muốn chứng minh mình không liên quan thì phải ra ngân hàng rút tiền gửi vào các tài khoản do chúng chỉ định để xác minh rồi chúng sẽ trả lại. Tưởng thật, bà D. đã rút hết tiền trong tài khoản chuyển cho bọn bọn tội phạm gần 1,8 tỷ đồng.
Nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại với phương thức tinh vi |
Trường hợp tương tự là bà Chi (70 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội). Một ngày tháng 4/2014, bà Chi nhận được một cuộc điện thoại báo đang nợ tiền điện thoại gần 9 triệu đồng. Các đối tượng yêu cầu bà Chi chuyển toàn bộ số tiền mà gia đình đang có vào tài khoản được mở tại một ngân hàng có trụ sở tại Việt Nam, với số tiền gần 500 triệu đồng.
Không chỉ dùng trò lừa "nợ tiền cước', kẻ xấu còn lấy lý do "điều tra hành vi phạm pháp" để đe dọa, thuyết phục nạn nhân.
2 đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền qua điện thoại bị cơ quan công an bắt giữ |
Đó là trường hợp bà Đ.T.T (77 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM). Ngày 12/10, một đối tượng lạ gọi điện thoại đến số máy gia đình bà T. xưng là cán bộ công an đang điều tra về đường dây tội phạm lớn và tình nghi tài khoản ngân hàng cũng như cá nhân bà có liên quan đến đường dây tội phạm này. Người này yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của cán bộ công an để kiểm tra, nếu là tiền “sạch” thì sẽ hoàn trả lại. Tin lời kẻ giả danh công an, nạn nhân đã đến một chi nhánh ngân hàng làm thủ tục chuyển 6 tỷ.
Một nạn nhân khác là bà L.S.K (SN 1969, ngụ P.13, Q.8, TP.HCM). Chiều 9/8, bà K có nhận 1 cuộc điện thoại gọi đến xưng là cán bộ Cục C47, Bộ Công an, nói bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy quy mô. Từ hướng dẫn của người gọi điện, trong ngày 10/8 và 12/8, bà K đã chuyển số tiền hơn 2,2 tỷ đồng vào nhiều tài khoản ngân hàng.
Một thủ đoạn tinh vi không kém là các đối tượng gọi điện từ các số điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định của nhà riêng (hoặc cơ quan) thông báo việc bắt cóc thân nhân và yêu cầu người bị hại chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng.
Một băng nhóm lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ. |
Nạn nhân của trò lừa đảo này là bà Lê Kim Thúy (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội). Vào ngày 17/3/2014, khi đang ở nhà thì bà nhận được điện thoại gọi vào máy bàn của gia đình và cho biết chúng đang bắt giữ con trai bà vì anh này nợ tiền chúng. Sau 5 phút chúng yêu cầu bà Thúy chuyển 150 triệu đồng thì mới thả người. Sau khi ra ngân hàng chuyển tiền xong thì bà Thúy mới ngỡ ngàng biết mình đã bị lừa.
Cảnh giác trước những cuộc gọi lừa đảo
Theo tìm hiểu, nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại phần lớn là những người cao tuổi, hưu trí, phụ nữ, ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng. Một điều đáng nói nữa là các vụ lừa đảo qua điện thoại xảy ra chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi có trình độ dân trí cao...
Riêng tại Hà Nội, số vụ gọi điện thoại lừa đảo vài năm gần đây ra tăng đáng kể. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, chỉ tính trong năm 2015, đơn vị đã nhận được 40 đơn, tin và công dân trực tiếp đến trình báo bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gọi điện thoại giả các nhà mạng, cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án... thông báo nợ tiền cước điện thoại và có liên quan đến các chuyên án lớn đang điều tra để đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản chúng chuẩn bị sẵn để chiếm đoạt. Tổng số tiền đã bị chiếm đoạt bằng thủ đoạn này lên đến gần 30 tỷ đồng, trong đó vụ nhiều nhất là 5,4 tỷ đồng.
Một nhóm lừa đảo công nghệ cao bị bắt. |
Qua điều tra cho thấy, các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, cấu kết với các đối tượng trong nước thực hiện cuộc gọi VoIP (sử dụng công nghệ truyền giọng nói qua giao thức Internet để thực hiện và chuyển cuộc gọi qua mạng IP, cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi bằng VoIP đến bất kỳ số di động hoặc cố định nào) có sử dụng phần mềm để hiển thị với người nhận cuộc gọi là số điện thoại của các cơ quan, tổ chức có uy tín như công an, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện... nhằm tạo sự tin tưởng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ; không cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác. Khi nhận được cuộc điện thoại nghi ngờ cần tìm cách thông báo ngay đến cơ quan công an, không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy lừa đảo của tội phạm.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)