Tụt giảm không ngừng
Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips trên các sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch sáng 28/2 khiến chỉ số VN-Index mất quanh mức 20 điểm xuống ngưỡng 880 điểm.
Cả 30 mã lớn thuộc nhóm VN30 đều giảm, trong đó có những mã giảm khá sâu như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang; Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài; Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung…
Nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng cũng giảm mạnh: BIDV giảm 1.500 đồng xuống 45.600 đồng; Bảo Việt (BVH) giảm 1.400 đồng xuống 55.00 đồng; Techcombank giảm 600 đồng xuống 22.150 đồng/cp…
Cổ phiếu đầu ngành xây dựng Coteccons (CTD) của ông Nguyễn Bá Dương giảm 2.500 đồng xuống 62.400 đồng/cp; ông lớn dầu khí GAS giảm 3.200 đồng xuống 75.800 đồng; Vinamilk (VNM) giảm 2.500 đồng xuống 104.900 đồng.
Đặc biệt, cổ phiếu Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB) giảm 6.200 đồng xuống 167.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cao 320.000 đồng/cp.
Chứng khoán tụt giảm sâu. |
Như vậy, chỉ sau vài phiên giảm liên tục, chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng khoảng 100 điểm. Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm mạnh, từ ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dệt may cho tới du lịch, hàng không, bảo hiểm, dịch vụ…
Chỉ có một số mã trong nhóm dược và dụng cụ y tế, sản xuất máy móc, thiết bị… là tăng điểm.
Áp lực bán tăng lên trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan rộng và nhanh bên ngoài Trung Quốc đại lục, đã lan mạnh ở châu Âu và Mỹ, trong đó có một số điểm bất thường.
Diễn biến tiêu cực của TTCK Mỹ cũng đã ảnh hưởng tới tâm lý của các NĐT Việt. Chứng khoán Mỹ đêm qua đã có một phiên giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm thêm gần 1.200 điểm, nâng tổng mức giảm trong 6 phiên gần đây lên 3.000 điểm. Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang hướng đến tuần có thành quả tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Mặc dù giảm sâu và hàng loạt cổ phiếu lớn khiến các đại gia Việt mất tiền nhưng thị trường đang phát đi những tín hiệu khá tích cực và đây thường được xem là cơ hội lớn.
Một điểm sáng trong phiên giao dịch sáng 28/2 chính là sức cầu mua vào cổ phiếu rất lớn, thanh khoản tăng mạnh. Nó cũng đồng nghĩa với việc thị trường không chứng kiến tình trạng bán tháo.
VN-Index tụt giảm xuống quanh ngưỡng 880 điểm. |
Tín hiệu tích cực
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, TTCK đang điều chỉnh với mức độ chấp nhận được và điều đáng nói là thị trường không hề chứng kiến tình trạng hoảng loạn bán tháo từng thấy ở những phiên giảm điểm mạnh trong quá khứ.
Theo đó, áp lực bán ra chung trên thị trường vẫn còn do các NĐT lo ngại triển vọng của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn nhưng về cơ bản thị trường không biến động quá tiêu cực. Các NĐT khá bình tĩnh và đa phần lướt để giảm tỷ lệ và đảo danh mục đầu tư để đảm bảo an toàn.
Sức cầu đỡ giá luôn thường trực ở mức giá thấp do vậy chỉ số không giảm quá sâu và hơn thế trên TTCK Phái sinh, các hợp đồng tương lai đang duy trì basis dương cho thấy nhà đầu tư không quá bi quan với xu hướng thị trường lúc này.
Hiện tại, cổ phiếu trong nhiều lĩnh vực đang được quan tâm như: ngân hàng, dược, viễn thông, bất động sản công nghiệp…
Các NĐT cũng chú ý tới thông tin Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Có thể thấy, thế giới đang đối mặt với một nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế lớn khi mà dịch Covid-19 lan rộng và vẫn chưa lường hết tác động tiêu cực. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã chứng kiến những tác động xấu ban đầu.
Thị trường tài chính thế giới biến động khó lường, từ chiến tranh thương mại, giờ tới dịch bệnh Covid-19. |
Tác động tới nền kinh tế Việt Nam cũng khá rõ ràng, nhất là lên lĩnh vực du lịch, hàng không, rồi đầu vào cho sản xuất tiêu dùng… Tuy nhiên, nỗ lực kiểm soát của chính phủ Việt Nam được đánh giá là sẽ mang lại tác động tích cực về dài hạn.
Không chỉ du lịch Việt Nam sẽ được hưởng lợi mà còn nhiều ngành kinh tế khác.
Gần đây, khối ngoại có bán ròng trên TTCK nhưng không có dấu hiệu tháo chạy vào Việt Nam, mà chỉ là hoạt động tái cơ cấu.
Nhìn xa hơn Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thiệt hại từ Coronavirus, nhất là cơ hội đầu tư xuất hiện tại những ngành, những doanh nghiệp có triển vọng phục hồi.
Nhiều dự báo cho rằng, Việt Nam cũng sẽ sử dụng tới công cụ chính sách tài khóa để đầu tư vào những ngành cần vốn lớn, cần năng lực điều tiết của Chính phủ và thường những ngành được đầu tư nhiều nhất là cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nếu kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện tại, Việt Nam có thể nhân cơ hội này để trở thành trung tâm du lịch ở Đông Nam Á.
Không những thế, trong bối cảnh tình trạng sản xuất tại Trung Quốc ngưng trệ vì dịch Covid-19, Việt Nam sẽ là địa điểm đến tin cậy của các dòng vốn tìm kiếm nơi sản xuất thay thế. Ngành được hưởng lợi sẽ là bất động sản khu công nghiệp và bất động văn phòng cho thuê.
Nỗi lo về một Trung Quốc bất ổn nhiều khả năng sẽ khiến các tập đoàn, giống như Samsung, sẽ chọn một thêm các điểm đến để đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu, bên cạnh Ấn Độ, Mexico…
Một điểm thuận lợi mà Việt Nam đang có được, vượt trội so với nhiều điểm đến khác trong khu vực chính là quan hệ thương mại mở rộng với nhiều đối tác lớn thông qua những hiệp định thương mại tư do lớn như: EVFTA với châu Âu, CPTTP. Vì thế, những diễn biến hiện nay chỉ là những thử thách, nhà đầu tư kiên tâm sẽ đón được cơ hội lớn từ Việt Nam sau dịch bệnh.
M. Hà