- Nếu mỗi lần lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri là một lần "sát hạch" đối với một ứng cử viên ĐBQH thì với một số người đã mạnh dạn tự ứng cử, buổi lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đã trở thành cửa ải cuối cùng mà họ không thể vượt qua.

Tự ứng cử: Sôi động ý kiến cử tri
Băn khoăn trình độ học vấn
Có một người trong cộng đồng của mình, hàng ngày ít nhiều mình vẫn tiếp xúc, quyết định làm một việc có vẻ "khác thường" là tự ứng cử ĐBQH, đối với người dân kể cả là giữa lòng thủ đô, không phải chuyện đùa. Và hầu hết họ đã đến các buổi họp này với thái độ nghiêm túc.

Khác những người được giới thiệu, với những người tự ứng cử, buổi họp ở tổ dân phố là lần đầu tiên họ được người dân mà hàng ngày họ vẫn gặp gỡ, chào hỏi nhìn nhận mình ở một góc độ khác. Vì vậy, những lời giới thiệu của những người chủ trì cuộc họp và trong bản lý lịch có ý nghĩa quyết định đối với ấn tượng của người dân về họ. Họ sẽ được dân đánh giá dựa trên mối quan hệ với dân và những tiêu chuẩn đặt ra với người ứng cử ĐBQH theo luật định. 


Những người dân bình thường, có thể biết rõ hoặc mới biết sơ sơ, có thể thân thiết hoặc đã va chạm, với người tự ứng cử, đã đưa ra quyết định của mình. Ảnh: Lê Nhung
Buổi họp tổ dân phố 16 phường Phương Liên diễn ra tối ngày 28/3 với mục đích hỏi người dân xem họ có đồng ý giới thiệu một công dân trong tổ là ông Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1947, thợ cơ khí bậc cao đã nghỉ hưu, ra tranh cử để trở thành người đại diện cho họ và cho cử tri cả nước tại diễn đàn QH, đã diễn ra trong không khí không yên ả.

Bản lý lịch tự thuật viết có phần thiếu mạch lạc và chỉn chu của ông đã khiến người dân trong tổ không cảm thấy thuyết phục. Băn khoăn lớn nhất của họ là có lẽ trình độ học vấn và kinh nghiệm công tác của ông Mùi chưa đủ để họ tin tưởng ông có thể lên tiếng thay họ tại cơ quan quyền lực lớn nhất nước. Có vị lão thành trong tổ còn bày tỏ nghi ngại bằng lời chia sẻ: "Tôi cũng hai bằng đại học mà nay về hưu còn không dám 'xin' cái chức tổ phó".

Một số ý kiến gay gắt hơn còn cho rằng ý định tự ứng cử của ông là thiếu nghiêm túc. Họ không nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày, ông thể hiện được những điều mà họ cho là nhất thiết phải có ở một ĐBQH: nghề nghiệp, uy tín và khả năng trình bày.

Ông Mùi cũng không tận dụng được cơ hội cuối cùng khi đến lượt phát biểu, ông không giải tỏa được những thắc mắc của dân về thái độ khi tham gia các nghĩa vụ với cộng đồng, sự đóng góp cả về công sức và tài chính cho cơ sở, hay một mục đích cụ thể rõ ràng cho việc quyết định tự ứng cử.

Chỉ nhận được một cánh tay duy nhất giơ lên ủng hộ, của một người dân lớn tuổi với suy nghĩ "biết đâu vào QH ông ấy có thể nói lên được những bức xúc của dân", ông Nguyễn Văn Mùi, người đầu tiên đến lấy hồ sơ tự ứng cử ĐBQH tại Sở Nội vụ Hà Nội ngày 4/3, đã dừng bước.

Hòa đồng, sức khỏe

Buổi họp tổ dân phố tại phường Bạch Đằng diễn ra sau đó một hôm cũng không thuận lợi với một người tự ứng cử khác là nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. Trời mưa to và bạt che không đủ cho gần 100 người tham dự buổi họp và cả những người tò mò đứng xem, không khí buổi họp khá căng thẳng.

Đúng như lo ngại của nhiều người, tuổi tác của ông là điều các cử tri cơ sở cảm thấy không yên tâm. Nhận thức rằng ĐBQH cần có sức khoẻ để cống hiến trong ít nhất 4 năm, không ít người bày tỏ lo ngại khi "chẳng mấy mà bác sẽ ở tuổi 80", liệu còn đủ vững vàng và minh mẫn cho một công việc đòi hỏi nhiều công sức và tâm trí.

Liên hệ với một số nhà khoa học cao niên khác như nhà sử học Lê Văn Lan, giáo sư Vũ Khiêu..., một công dân trong tổ dân phố đã thành thật mong ông chọn cách tận dụng thời gian để viết lại những tìm tòi, phát hiện của mình cho các thế hệ sau học tập.

Một điều bất lợi nữa đối với nhà nghiên cứu này là ông chỉ mới chuyển về sống ở khu phố lao động này từ năm 2005. Việc nghiên cứu bận rộn phải vắng nhà nhiều khiến ông chỉ mới thân thiết và giao lưu nhiều với những người hàng xóm sát cạnh nhà, nên theo những người dự họp, tuy họ có thấy ông trên truyền hình lúc này lúc khác, vẫn là chưa đủ. Họ thẳng thắn nhận định rằng ông chưa hòa đồng và gần gũi dân như một trong những tiêu chuẩn đối với ĐBQH yêu cầu.

Một điều không thuận nữa, mà ông Hải đã hy vọng một sự thay đổi, là những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học đặc thù của ông, vẫn không phải ai cũng hiểu đúng. Một vị lão thành trong cuộc họp đã hiểu nhầm công trình "tìm lại nguồn gốc tên nước Việt Nam" của ông Hải thành "đặt tên nước Việt Nam" và tỏ ý không hài lòng. Dù đây là một sự hiểu nhầm, thì vô tình hay hữu ý, nó cũng khiến người dân có ấn tượng không hay.

Trong không khí như vậy, ông Nguyễn Phúc Giác Hải cũng đã không có đủ thời gian, và cả sự điềm tĩnh, để trình bày suy nghĩ của mình cũng như hóa giải những hiểu lầm. Kết quả bỏ phiếu kín, ông chỉ nhận được 11/80 phiếu ủng hộ.

Tại khu dân cư bán đảo Linh Đàm, buổi họp lấy tín nhiệm của cử tri kéo dài một tiếng rưỡi cũng không kém phần căng thẳng với 12 ý kiến. Tiếc là bản thân người tự ứng cử, Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, không thể có mặt vì chuyện buồn đột xuất của gia đình. Anh Hùng ủy nhiệm cho người đại diện dự họp thay mình.

Điều đa số các ý kiến không ủng hộ viện dẫn chính là điểm dễ nhìn thấy nhất ở Công Hùng - sức khỏe. Phần lớn họ sống ở những khu nhà khác, nhưng sau khi nghe đọc tiểu sử, họ thấy không yên tâm vì lo ngại Công Hùng "phục vụ bản thân còn chưa xong sao có thể phục vụ cho QH".

Mặc dù trong tiểu sử nêu rõ anh Hùng là giám đốc công ty Nghị lực sống, anh dạy học cho những người không may mắn và tạo việc làm cho nhiều người khác, một số người dân vẫn không khỏi băn khoăn việc anh chưa học đại học. Theo họ, xét theo các tiêu chuẩn của ĐBQH, như thế là chưa đạt. Có người còn đặt câu hỏi liệu Công Hùng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề kinh tế vĩ mô vốn được bàn nhiều ở QH như điều hành tăng trưởng, kiềm chế lạm phát... không.

Những người trẻ, cũng là hàng xóm gần gũi, quen biết và giao tiếp nhiều với Công Hùng, lại hết lòng ủng hộ anh. Ngay tổ trưởng dân phố của anh cũng "xin bỏ 1 phiếu ủng hộ" vì trân trọng năng lực quản lý và tổ chức, uy tín với học trò và nhân viên, sự cởi mở trong các hoạt động chung và đặc biệt là tinh thần lạc quan bất chấp thân thể khuyết tật, của anh. Tuy vậy, lá phiếu của những người ủng hộ chỉ chiếm 9/47 số phiếu được kiểm.

Đúng như tên gọi của cuộc họp - lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH - cử tri, những người dân bình thường, có thể biết rõ hoặc mới biết sơ sơ, có thể thân thiết hoặc đã va chạm, với người tự ứng cử, đã đưa ra quyết định của mình. Đây là điều mà những người tự ứng cử khi được hỏi đều đã lường trước, nhưng không phải đều dễ dàng vượt qua.

Thủy Chung - Lê Nhung

Hiệp sĩ Công nghệ thông tin tự ứng cử Quốc hội
Tự ứng cử - con đường gập ghềnh

'Nghị trường cần những cá nhân xuất chúng'

“Là ĐBQH, kiến nghị của tôi sẽ không bị lờ đi”

'Tôi không ngại động chạm'

Gặp những người đầu tiên muốn tự ứng cử