- Vụ nổ kho phế liệu ở Quan Độ (Bắc Ninh) gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua, và gần một năm trước là vụ “cưa bom” ở Văn Phú (Hà Nội), đã dấy lên hồi chuông báo động về những hiểm họa cận kề từ nghề thu mua phế liệu.
Có thể thấy hoạt động kinh doanh này luôn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường và cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Cảnh tượng thảm khốc sau vụ nổ ở Bắc Ninh |
Thời “đánh kho” đến phế liệu “thời 4.0”
Cách đây đến gần 30 năm, thời đất nước mới mở cửa, sinh sống trong một khu buôn bán nhanh nhạy và năng động của thành phố, tôi từng tham gia hoạt động mua hàng thanh lý từ kho của các cơ quan Nhà nước, trong đó có cả phế liệu quân sự. Nhẹ nhàng thì linh kiện điện tử, bán dẫn… to hơn là phụ tùng ô tô, máy móc… và to nữa thậm chí có lần dân chợ còn mua được cả máy bay. Có lô hàng thanh lý, chúng tôi mua cả vạn chiếc đài VEF 206 của quân đội, dùng đã cũ nát, về sửa lại cho kêu được, thay cho chúng bộ vỏ mới được nhập khẩu trực tiếp từ Latvia và bán về các vùng quê.
Thời đó, đi mua thanh lý ở kho được gọi bằng một “thuật ngữ chuyên ngành” là “đánh kho.” Dân “đánh kho” dần dần chuyên môn hóa, chỉ chuyên đi mua và do đó kinh nghiệm xương máu cũng ngày càng trở nên lọc lõi: nhìn liếc qua đã có thể nhận ra kho nào mua giá bao nhiêu thì được, về sẽ lãi được bao nhiêu. Về sau dân “đánh kho” còn sang đánh cả những kho ở bên Nga, Ukraine, Iraq… mà phất lên rất nhanh.
Cá biệt có lần bà con ở chợ mua được… máy bay bà già. Lượng phế liệu lấy ra được từ máy bay quả là lớn, đủ thứ và nhiều thứ rất giá trị: nhôm (đuya-ra) được hàng tấn, thép có, đồng có, thiếc đúc ra làm thiếc hàn được hàng kilôgam, tiếp điểm vàng được vài lạng, bóng bán dẫn cũng được hàng trăm chiếc, riêng dây điện thì hàng cây số… Nhìn chung mua được cái máy bay, tiền bỏ ra không nhiều nhưng lãi kha khá, cũng phải được vài trăm phần trăm.
Sau đó quãng chục năm là thời nhập khẩu hàng từ biên giới phía Bắc về rất mạnh, như bộ linh kiện xe máy, ô tô, đồ điện tử gia dụng… nhất là giai đoạn chúng ta áp dụng chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là thời kỳ nhộn nhịp của những ông “vua rác.”
Giang sơn nào anh hùng nấy, mỗi nhà máy công xưởng lắp ráp, là có một ông cai thầu bao mua tất cả các loại “rác” bao bì, từ thùng các-tông, đến ni-lông gói hàng, từ dây chằng thùng đến pa-lét gỗ… đã mua là phải mua hết. Đương nhiên cái sự “ăn chia,” “quan hệ” thì vẫn nguyên như vậy, nghĩa là ở đâu thì cũng “có nong có né” cả rồi, không phải quan hệ làm ăn lâu ngày thì đừng hòng mà mua được.
Sau vụ nổ ở Bắc Ninh, đạn nhiều như thóc, gom cả ngày không hết |
Ngày nay hoạt động mua phế liệu về tái chế, song hành với nền kinh tế xã hội phát triển nhanh, cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không còn cơ hội tiếp cận, nhưng tôi tin rằng chúng vẫn giữ nguyên những đặc điểm của mấy chục năm nay, nghĩa là vẫn phải “quan hệ,” phải “có cơ chế…” Có chăng điểm khác chỉ là càng ngày, đồ thanh lý, bãi rác… càng khác đi, gần với thời hiện đại hơn cùng sự phát triển của công nghệ.
Nhưng chắc chắn có một nguồn sinh lời béo bở mà việc khai thác “chưa đâu vào đâu,” đó là vũ khí, vật liệu nổ và khí tài… từ nhiều nguồn khắp đất nước. Trải qua mấy chục năm chiến tranh, đây là nguồn thực sự “dồi dào” mà chắc hẳn cơ quan chức năng là những đơn vị của Bộ quốc phòng không thể quản lý được hết.
Tôi nhớ cách đây mấy năm xem một bài báo về “làng đồng nát” Quan Độ, ngỡ ngàng trước bức ảnh mảnh xác máy bay tiêm kích còn rõ ngôi sao đỏ, bên trong có chữ “Bát Nhất” màu vàng. Từ ký hiệu này, theo tìm hiểu của tôi, nó có lẽ là của máy bay Trung Quốc bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Và như vậy nó là một phần chứng tích lịch sử và nếu được giữ lại, trưng bày để con cháu chúng ta hiểu hẳn sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Từ “cưa bom” ở Văn Phú đến vụ nổ ở Quan Độ
Với vụ nổ ở Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) lần này, bước đầu chủ cơ sở khai nhận mua đạn từ đơn vị quốc phòng. Độ xác thực của lời khai, trách nhiệm của ai, đơn vị nào… rồi sẽ được làm rõ. Nhưng chúng ta vẫn thấy nổi lên một điều là chắc chắn, nhu cầu xử lý những thứ chất đầy trong kho là có thật. Cần khẳng định dù là đồ thanh lý mấy chục năm niêm cất, nhưng giá trị sử dụng của chúng cũng dần đi đến con số không, và chi phí bảo quản đã trở thành “một tiền gà, ba tiền thóc.” Lại cần khẳng định thêm rằng, chúng là công sản, cần phải được giải quyết, xử lý một cách hiệu quả nhất.
Đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc về việc tạo cơ chế, hành lang pháp lý… cho việc thanh lý công sản thuộc diện “nhạy cảm” như vậy, để giảm chi phí xã hội, thu về một nguồn lợi cho nhà nước, tận dụng được những thứ còn có ích, nhưng vẫn đảm bảo được an toàn cho cuộc sống nhân dân.
Và một vấn đề khác chưa bao giờ cũ cần nhắc lại khi những vụ việc thế này xảy ra là ý thức của người kinh doanh và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Còn nhớ sau vụ nổ kinh hoàng do cưa bom ở Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) tháng 3 năm ngoái tôi cũng đã viết bài về “về sự bất cẩn đến mức liều lĩnh, thản nhiên của người Việt Nam”, về chuyện dường như các cơ quan chức năng vẫn quản lý những cơ sở thu mua phế liệu theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, phiên phiến rồi cho qua.
Hiện trường sau vụ nổ do cưa bom ở Văn Phú, Hà Đông năm ngoái |
Tôi cũng nhớ khi đó một số tờ báo trích đưa ý kiến của các chính quyền địa phương là khó quản lý cơ sở thu mua phế liệu vì thiếu chính sách cụ thể, vậy nên họ chủ yếu thông qua hình thức vận động tuyên truyền. Trong khi đó, các cơ sở này tồn tại không theo quy hoạch quản lý nào, và không chỉ nằm ở khu vực ngoại thành hay những khu đô thị mới, mà ngay cả trong khu nội đô, phố cũ, dân cư đông đúc của Thủ đô. Chỉ một chút sơ xuất, một chút bất cẩn, hậu quả tang thương nhất cũng có thể xảy ra như đã từng.
Từ vụ Văn Phú (Hà Nội) đến vụ Quan Độ (Bắc Ninh), gần một năm trôi qua không rõ những chuyện “khó quản lý”, “thiếu chính sách”, “lỗ hổng nguy hiểm” có chút tiến triển nào không? Hay rồi đây cứ sau mỗi vụ việc “kinh hoàng” như vậy, xôn xao được một thời gian, những “điệp khúc” kia lại lặp lại?
Phúc Lai
Vụ nổ ở Văn Phú: Có ai muốn cưa bom để sống?
Vụ nổ kinh hoàng tại đô thị mới quận Văn Phú, Hà Đông một lần nữa làm dóng hồi chuông báo động tình trạng người dân hàng ngày vẫn phải “đánh đu” với tính mạng của mình để mưu sinh.
Vụ Camry gây tai nạn và chuyện người Việt 'nhờn luật'
Đáng lo ngại là hiện tượng “nhờn luật” của số đông trở nên phổ biến hơn. Trên mặt đường, chỗ nào không có CSGT là người ta sẵn sàng phạm luật.