Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chiến lược quốc gia Phòng chống thiên tai. 

Báo cáo nêu rõ, trong 3 năm qua Cục đã tham mưu trình Bộ GTVT hoàn thành Thông tư quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. 

Song song đó, Cục cũng đã tham mưu trình Bộ ban hành Thông tư số 22 ngày 30/6/2023 quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực quản lý. 

W-anh-chup-man-hinh-2024-01-03-luc-112332-1.png
Chưa có các thiết bị đồng bộ về cảnh báo với những vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét 

Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai trong 3 năm qua Cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra một loạt giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Theo đó, đơn vị này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống khắc phục sự cố thiên tai, bảo đảm thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” được hiệu quả, đồng bộ, nhằm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất; Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi quản lý để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai.

“Cục thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các văn bản quản lý nhà nước về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như: Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với hậu quả thiên tai;  Quyết định số 987 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 42, Chỉ thị số 09  của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…”, Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng thông tin.

Đáng lưu ý, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn của Cục Đường bộ Việt Nam cũng được thành lập nhằm đáp ứng nhiệm vụ được giao. Cục đã kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Cục theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chỉ đạo, chỉ huy điều hành kịp thời công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. 

Chỉ đạo các Khu QLĐB, Sở GTVT kiểm kê, rà soát, bổ sung số lượng, chủng loại, vị trí tập kết vật tư dự phòng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có thiên tai, sự cố xảy ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiên tai; Nâng cấp cơ sở hạ tầng, chủ động thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, đảm bảo nguyên tắc tuân thủ theo quy hoạch và chủ động ứng phó với thiên tai theo phân vùng của rủi ro thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

“Chỉ đạo Khu QLĐB, Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và có các giải pháp khắc phục các vị trí thường xuyên gây cản trở đến việc thoát lũ như: mở rộng khẩu độ thoát lũ các cầu qua sông, suối không đảm bảo khả năng thoát lũ, đặc biệt trên tuyến đường QL1, đoạn qua khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ”, ông Thắng báo cáo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. 

Thứ nhất, những vị trí xung yếu thường xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, các vị trí sụt lở nằm trải dài trên tuyến, một số vị trí sụt lở nhiều lần khối lượng lớn cho nên việc huy động phương tiện, vật tư chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến giao thông.

Thứ hai, lực lượng phòng hộ rất khó khăn trong việc tìm bãi đổ đất đá sụt lở do đa số các tuyến đất hàng lang an toàn đường bộ chưa được đền bù giải toả. Đặc biệt một số tuyến một bên là taluy dương một bên là hành lang bảo vệ hồ chứa thuỷ điện.

Thứ ba, công tác thông tin, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ bùn, lũ quét, tuyết rơi đặc biệt là ngập lụt… còn hạn chế và chưa kịp thời. Chưa có các thiết bị đồng bộ về cảnh báo; đặc biệt là đối với những vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá, lũ bùn, lũ quét, đây là vấn đề cần được quan tâm.

Thứ tư, tình trạng chặt phá rừng gây lũ quét, cây cối lấp cống, rãnh gây tắc nghẽn dòng chảy làm hư hại kết cấu hạ tầng đường bộ nước vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời.

Cuối cùng theo ông Cường đó là tình trạng san lấp, lấn chiếm, đấu nối trái phép, xả rác, chất thải rắn xuống rãnh dọc, hạ lưu thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập úng cục bộ, gây hư hỏng nền, mặt đường vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV