Đào tạo kĩ năng số cho nông dân, xã viên hợp tác xã

Theo ông Vũ Bá Phú, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các HTX, các doanh nghiệp nhỏ cùng nhiều hộ sản xuất kinh doanh được xem là xu thế tất yếu cần phải thay đổi để phát triển trong thời đại công nghệ chuyển đổi số hiện nay. Chính vì vậy, Cục đã cùng nhiều cơ quan liên quan tổ chức các lớp đào tạo kĩ năng số cho nông dân, xã viên hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ tự tin đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT hay các nền tảng số, nền tảng mạng xã hội.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, ông Phú cho biết, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt nông sản, đặc sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Chính vì vậy, những năm qua lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên đã quan tập trung triển khai phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, đảm bảo hai nguyên tắc: từ sớm và từ xa. Hỗ trợ nông dân tránh rơi vào thảm cảnh được mùa rớt giá hoặc các sản phẩm OCOP làm ra nhưng không tiêu thụ được.

tap huan cds.jpg
Một buổi tập huấn hỗ trợ các HTX livestream bán hàng được Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. 

Cụ thể, hàng năm Cục sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương, hiệp hội ngành hàng tính toán xây dựng kế hoạch, triển khai xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản nhiều tháng trước mùa vụ. Không những xúc tiến thị trường trong nước, các thị trường nước ngoài cũng được tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX được hỗ trợ tham gia cùng các đoàn xúc tiến thương mại để tự quảng bá sản phẩm của mình.

Về công cụ hỗ trợ, xác định đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại trực tiếp là chưa đủ, Cục đã phối hợp với nhiều bên tổ chức các lớp đào tạo xúc tiến tiêu thụ nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử; tổ chức xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng miền, quy mô lớn; Kết nối các đơn vị sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi liên kết để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tiếp cận thị trường các nước trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…; cạnh tranh bằng chất lượng ngay trên thị trường ASEAN với Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia... bài bản hơn.

Để từ đó đưa nông sản từ xuất khẩu tiểu ngạch dần sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bền vững. Riêng khâu đào tạo tập huấn các kỹ năng số nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại qua các nền tảng thương mại điện tử, Cục đã triển khai nhiều lớp học cho nhiều tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các HTX, các hộ sản xuất các kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến (Facebook, Zalo, TikTok…); cùng với đó, là các kỹ năng bán hàng hiệu quả trên các sàn giao dịch TMĐT.

Để mỗi hợp tác xã là một shop trên các sàn, các nền tảng

Chia sẻ về các lớp tập huấn kĩ năng số cho nông dân và xã viên HTX nông nghiệp, ông Nguyễn Bá Phú cho rằng, không cần học đâu xa mà nhìn ngay sang nước bạn láng giềng Trung Quốc. Những nông dân giờ đây họ tự tin bán hàng khắp toàn cầu, những mô hình kinh doanh nông sản của họ từ cây kim sợi chỉ, cho tới mớ rau con cá tưởng chừng giá trị thấp nhưng doanh số thu lợi thì rất kinh khủng.

Đơn cử, cùng là nuôi gà đẻ trứng, thay vì chỉ bán trứng sạch cho các siêu thị, livestream bán hàng cho các đại lý ở xa thì họ còn bán luôn cả con gà cho người mua. Với phương pháp cấp mã số cho từng chú gà mái, nông dân nhận nhiệm vụ chăm sóc gà, thu hoạch trứng và vận chuyển thành quả của chú gà đó tới tay người mua gà. Với giải pháp này, người mua trứng gà được hàng ngày nhìn thấy chú gà mái của mình được chăm sóc ra sao, được ăn thức ăn gì, được nghe nhạc gì, trứng gà sạch cỡ nào.

Nói về tham vọng của Cục Xúc tiến thương mại, ông Phú cho rằng nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể sao chép, bắt chước những kinh nghiệm này và dần dần cải tiến, sáng tạo để đưa nông sản Việt đi khắp năm châu. Muốn là được điều này, trước mắt cần phấn đấu mỗi HTX là một shop trên các sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội. Xây dựng thương hiệu HTX, nhãn hiệu hàng hóa và tăng cường quảng bá sản phẩm, có như vậy việc tiêu thụ nông sản sẽ không còn phải phụ thuộc thương lái như trước.

Được biết, trong các khóa tập huấn kĩ năng số cho các HTX, Cục Xúc tiến thương mại đang không đi theo lối mòn trước kia mà thực hiện phương pháp “cầm tay chỉ việc” từng xã viên, nông dân như: Hướng dẫn tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội ngay trên điện thoại thông minh và máy vi tính; cách thức tham gia thị trường TMĐT (các livestream bán hàng trực tiếp) và các công cụ như tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), tiếp thị trực tuyến (marketing online)... Từ đó giúp HTX, doanh nghiệp xuất khẩu livestream quảng bá hình ảnh sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam ngay tại vườn hay cơ sở sản xuất.

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV