Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao giữa tháng 1 vừa qua, khi được hỏi về về ý nghĩa Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á, thể hiện sự coi trọng không gian biển tại khu vực, sự đoàn kết và tiếng nói thống nhất, vai trò trung tâm và quyết tâm của ASEAN trong bảo vệ hòa bình, ổn định, xây dựng các vùng biển, trong đó có vùng Biển Đông, thành không gian hợp tác và phát triển.
Tuyên bố cũng tái khẳng định lập trường nguyên tắc trong xây dựng lòng tin, kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời chuyển tải thông điệp của ASEAN là mong muốn các đối tác ủng hộ, đóng góp xây dựng để cùng hiện thực hóa quyết tâm trên.
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam luôn sẵn sàng chung tay cùng các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nỗ lực này.
Được biết, đây là lần thứ 5 ASEAN ra Tuyên bố riêng về các vấn đề trên biển kể từ 1995. Lần gần đây nhất ASEAN ra tuyên bố riêng về biển Đông là vào năm 2014.
Tuyên bố hôm 30/12/2023 viết: "Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông". Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN "tái khẳng định tính cấp thiết của việc khôi phục và tăng cường lòng tin và tin cậy; tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định; tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đồng thời "nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và cam kết hợp tác chặt chẽ để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".
PV